Ông Naftali Bennett (trái) và ông Yair Lapid - những người có thể trở thành Thủ tướng mới của Israel. (Nguồn: Times of Israel) |
Sau 15 năm nắm quyền Thủ tướng và trải qua bốn cuộc bầu cử bế tắc, ông Benjamin Netanyahu có thể phải rời khỏi vị trí quyền lực ở Israel.
Tuy còn phải chờ cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội (Knesset), nhưng thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa lãnh đạo các đảng đối lập hôm 30/5 đã hé lộ tân Thủ tướng của quốc gia Trung Đông này. Lãnh đạo đảng cánh hữu Yamina, ông Naftali Bennett sẽ đứng đầu chính phủ Israel trong hai năm trước khi chuyển giao cho Chủ tịch đảng Yesh Atid là ông Yair Lapid trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Triệu phú tự thân
Ông Nafatli Bennett sinh năm 1972 trong một gia đình người Mỹ nhập cư vào Israel. Giống như đương kim Thủ tướng Netanyahu, ông Bennett cũng có khoảng thời gian sống tại Mỹ khi còn nhỏ và nói tiếng Anh lưu loát. Hiện ông đang sống tại thành phố Raanana ở ngoại ô Tel Aviv, cùng vợ và bốn con.
Ông là một người Do Thái theo Chính thống giáo hiện đại. Nếu trở thành Thủ tướng, ông Bennett sẽ là người đứng đầu chính phủ theo đạo đầu tiên của Israel.
Từng là lính biệt kích của lực lượng đặc nhiệm Israel, ông Bennett đã làm việc trong ngành công nghệ và học luật tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Đến năm 1999, ông khởi nghiệp với một công ty phần mềm và chuyển tới New York. Năm 2005, ông bán công ty cho một công ty bảo mật ở Mỹ với giá 145 triệu USD.
Một năm sau, ông trở về Israel và chính thức tham gia chính trường với tư cách là giám đốc nhân sự cho ông Netanyahu. Năm 2010, sau khi rời văn phòng của ông Netanyahu, ông Bennett trở thành người đứng đầu Hội đồng Yesha, tổ chức vận động hành lang cho những người định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Sự nghiệp chính trị của ông Bennett gặp sóng gió vào năm 2013 khi ông phụ trách đảng Quốc gia – tôn giáo Do Thái vốn đang phải đối mặt với thảm họa chính trị do kêu gọi ủng hộ người định cư Israel và sáp nhập khu vực Bờ Tây, được coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Ông Bennett được coi là một đồng minh tin cậy của Thủ tướng Netanyahu khi từng nằm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ như Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Giáo dục.
Tuy nhiên, ông không nhận được lời đề nghị tham gia một chính phủ đoàn kết do ông Netanyahu lãnh đạo vào tháng 5/2020 – một động thái được coi là cho thấy vết rạn nứt lớn trong quan hệ cá nhân giữa hai người, bất chấp ý thức hệ chung giữa họ.
Khi nhà báo làm chính trị
Sinh ra ở Tel Aviv, ông Yair Lapid là con trai của cựu Bộ trưởng Tư pháp Yosef “Tommy” Lapid. Trước khi gia nhập chính trường, ông Yair Lapid được biết đến với tư cách là nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của kênh Channel 2 TV.
Năm 2012, ông Lapid thành lập đảng Yesh Atid trong sự gièm pha của nhiều người, cho rằng ông đang lợi dụng sự nổi tiếng của mình để tấn công vào chính trường.
Tuy nhiên, đảng này đã giành chiến thắng lớn ở cuộc bầu cử sau đó với 19 ghế trong Knesset.
Ngay từ thời điểm đó, Yesh Atid đã tự khẳng định mình là một lực lượng đáng tin cậy trên chính trường và là một phần quan trọng trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Netanyahu khi đó. Ông Lapid còn được giữ chức Bộ trưởng Tài chính, mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh tế và chưa từng làm việc trong chính quyền.
Theo tờ The Jerusalem Post, ông Lapid là một trong những chính trị gia nhất quán nhất thời nay khi đưa ra các thông điệp. Trong vấn đề Israel - Palestine, ông luôn luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho dù bị các đối thủ chỉ trích là thiếu sức mạnh lý tưởng. Tuy nhiên, ông cũng không chấp nhận bất cứ biện pháp chia rẽ thành phố Jerusalem.
Với vẻ ngoài điển trai, phong thái lịch lãm và sự nổi tiếng, ông Lapid dự định đưa Israel đi trên con đường ôn hòa. Ông từng tuyên bố mình là một người có quan điểm “cực kỳ ôn hòa”, coi ôn hòa là một kiểu dân túy mới và là một loại chủ nghĩa dân tộc yêu nước.
Bản thân ông Lapid luôn tin Israel cần thay đổi nhưng đồng thời nhấn mạnh Israel là một quốc gia đáng tự hào. Ông nói: “Nhưng Israel có vấn đề và có một lỗ trong bình gas. Hệ thống chính trị của chúng ta không hiệu quả, ám ảnh với bản thân và là một sự đan xen lợi ích phức tạp đã không hoạt động vì nhân dân từ lâu rồi.
Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy là chính khách làm việc vì nhau. Điều này cần thay đổi”.
Thủ tướng Netanyahu hiện đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận, thiếu trách nhiệm và nhận hối lộ, mặc dù ông phủ nhận toàn bộ các cáo buộc này. Nếu không giành được vị trí đứng đầu nội các, ông Netanyahu sẽ phải đối mặt với nguy cơ đứng trước các phiên tòa hình sự. |
Quá trình phức tạp
Trước khi phe liên minh công bố thành lập chính phủ mới, Israel đã trải qua hai năm bế tắc chính trị. Trong bốn cuộc bầu cử, đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu luôn giành được số phiếu cao nhất nhưng ông Netanyahu đều thất bại trong việc tập hợp lực lượng để thành lập một chính phủ liên minh.
Trước tình hình này, ngày 5/5, Tổng thống Reuven Rivlin đã ủy quyền cho thủ lĩnh phe đối lập Yair Lapid thành lập chính phủ mới. Quyết định được đưa ra sau khi chính trị gia này giành được sự đề cử của 56 nghị sỹ tại Knesset gồm 120 đại biểu.
Ông Rivlin khẳng định, lý do chính chọn ông Lapid là bởi ông có cơ hội cao nhất thành lập một chính phủ được sự ủng hộ của đa số các thành viên Knesset. Ông Lapid cũng tỏ rõ quyết tâm chính trị rất cao với tuyên bố sẽ nỗ lực hết sức để “thành lập chính phủ đoàn kết sớm nhất có thể”.
Tưởng chừng sẽ gặp khó khăn trong quá trình đàm phán để thành lập chính phủ liên minh, nhưng ông Lapid đã thành công khi lôi kéo được sự ủng hộ của đảng cánh hữu đối lập Yamina do ông Naftali Bennett đứng đầu.
Ngay sau tuyên bố của lãnh đạo đảng Yamina, Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng quyết định này có thể khiến Israel bị suy yếu.
Ông nói: “Tôi đã nghe thấy ông Naftali Bennett nói gì. Ông ấy đang định hướng sai dư luận. Đừng bao giờ thành lập một chính phủ cánh tả. Một chính phủ như vậy sẽ chỉ làm suy yếu an ninh và tương lai của Israel.
Thay vì xây dựng một chính phủ cánh tả, gây nguy hiểm cho nhà nước Israel, hãy xây dựng một chính phủ cực hữu sẽ tốt cho nhà nước Israel”.
Quyết định liên minh của đảng Yamina được cho là sẽ chấm dứt bế tắc chính trị kéo dài hơn hai năm qua ở Israel, đồng thời kết thúc luôn tham vọng tiếp tục tại vị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Chính phủ được đề xuất của phe liên minh rất phức tạp về thành phần, bao gồm các đảng không cùng chính kiến từ đảng cánh tả, đảng cánh hữu và cả đảng trung dung trên chính trường Israel. Điểm chung duy nhất của các đảng này là “đánh bật” ông Netanyahu.
Chính vì vậy, về lâu dài, chính phủ mới của ông Bennett và ông Lapid sẽ gặp không ít khó khăn để có thể đạt được “mẫu số chung” và vận hành một cách trơn tru.
Mọi chuyện vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, với thế đa số mong manh của liên minh mới trong Knesset, ông Netanyahu vẫn có cơ hội lật ngược thế cờ bằng cách lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sỹ đối lập về phe mình và bỏ phiếu phản đối chính phủ liên minh mới.