Nhỏ Bình thường Lớn

Những vấn đề nhân đạo đằng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine

Nhiều người đã và đang phải chịu tác động nhân đạo sau một tháng xung đột Nga-Ukraine diễn ra. Lúc này là thời điểm để tiếp thêm sức mạnh cho các nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng tị nạn ngày càng trầm trọng này.
Tác động nhân đạo từ cuộc giao tranh Nga-Ukraine
Sau một tháng xung đột Nga-Ukraine, ước tính hơn 3 triệu người đã phải rời khỏi Ukraine, dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. (Nguồn: Reuters)

Sau một tháng xung đột Nga-Ukraine nổ ra (ngày 24/2), ước tính hơn 3 triệu người đã phải rời khỏi Ukraine, dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Trong khi đó, những người lựa chọn ở lại Ukraine cũng chịu cảnh hiểm nguy tới tính mạng.

Thảo luận về những tác động nhân đạo từ xung đột ở Ukraine, bà Negar Tayyar, người đồng sáng lập và Giám đốc của Quỹ nhân loại toàn cầu (GWBF) - một cơ quan nhân đạo chuyên hỗ trợ người di cư trên toàn cầu, đã chỉ ra những vấn đề tồn tại và cách mà chúng ta cần đối mặt với các cuộc khủng hoảng tị nạn trong tương lai.

Sự tương phản

Tốc độ dòng người tị nạn từ cuộc khủng hoảng đang tăng một cách đáng kinh ngạc. Nhiều người lựa chọn không vượt biên thì cũng phải rời bỏ nhà cửa và trú ẩn trong các ga xe lửa, tầng hầm, hoặc lánh nạn tại gia đình ở nhiều vùng khác nhau của Ukraine.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tị nạn này có nhiều điểm khác biệt so với những cuộc khủng hoảng tị nạn trước ​​trong thập kỷ qua.

Trước hết, bà Tayyar lưu ý việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người Ukraine là rất đặc biệt. Cho đến nay, đã có sự nhiều hỗ trợ to lớn, đặc biệt từ châu Âu và Mỹ, dành cho người dân Ukraine.

Theo bà Tayyar, Ba Lan đang chịu thiệt hại lớn nhất vì phải tiếp nhận người tị nạn. Ước tính 1,8 triệu người tị nạn đến từ Ukraine hiện đang ở Ba Lan.

Mặc dù, đây là phản ứng đúng đắn và được cộng đồng viện trợ nhân đạo hoan nghênh, nhưng cũng là một điều đáng lưu tâm khi ​​Ba Lan tiếp nhận quá nhiều người tị nạn từ Ukraine, trong khi nhiều người trốn chạy khỏi các cuộc xung đột khác thì không được đón nhận như vậy mà phải chờ đợi ở biên giới.

Nhắc đến những người tị nạn Syria đang chờ đợi ở biên giới Belarus và Ba Lan để gia nhập Liên minh châu Âu (EU), vị chuyên gia nhấn mạnh, họ đang phải chịu đựng cảnh màn trời chiếu đất trong thời tiết lạnh giá.

Khi chứng kiến cảnh này, bà Tayyar chia sẻ: “Chúng tôi trải qua nhiều cảm xúc lẫn lộn. Nhiều người đã chỉ trích về việc vẫn còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử với người tị nạn”.

Theo chuyên gia về nhân đạo, điểm mấu chốt nằm ở chỗ họ đều đang tìm kiếm sự bảo vệ ở cùng biên giới, ở cùng quốc gia, nhưng có những người bị từ chối gia nhập và có những người được chào đón.

"Sự tương phản trong cách đối xử với những người tị nạn này là rất rõ ràng", Giám đốc GWBF nhấn mạnh.

“Đòn bẩy" cho một giải pháp dài hạn

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Bà Tayyar chỉ ra rằng hiện nay ở châu Âu đang tồn tại cảm giác bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine và nỗi lo lắng, sợ hãi ở mức độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ trên phạm vi toàn lục địa. Theo vị chuyên gia này, phản ứng này từ châu Âu và Mỹ là không đáng ngạc nhiên.

Từ kinh nghiệm viện trợ nhân đạo của mình, bà Tayyar lưu ý rằng, sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc vẫn đang tồn tại: "Nhiều người đang bị đối xử khác biệt vì chủng tộc, giới tính, sắc tộc, tôn giáo của họ”.

Bà Tayyar cũng hy vọng, cuộc khủng hoảng Ukraine có thể viết lại câu chuyện cho những người tị nạn từ các khu vực xung đột khác.

Theo đó, việc EU chấp nhận người tị nạn Ukraine có thể trở thành tiền lệ và đòn bẩy mang lại lợi ích cho các hoạt động nhân đạo trong tương lai.

Sự nhân văn trong cuộc khủng hoảng tị nạn ở Ukraine đã được thể hiện qua những hành động, đối xử tử tế với phẩm giá mà họ xứng đáng. Những bức ảnh ấm áp tình người dành cho người lánh nạn từ Ukraine đã thay đổi những câu chuyện điển hình về người tị nạn.

Bà Tayyar chia sẻ, bà và các đồng nghiệp của mình như được tiếp thêm sức mạnh. "Chúng tôi thấy rằng hoàn toàn có thể tìm ra một cách khác để giải quyết tình trạng những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình. Đây là việc khả thi, là điều đúng đắn nên làm”.

Công việc của những người làm công tác nhân đạo như bà Tayyar trong tương lai là sử dụng cách châu Âu đang phản ứng hiện nay như một mô hình cho cách chúng ta cần phản ứng với người tị nạn theo giai đoạn.

Bởi những vấn đề này không phải chỉ xảy ra tại biên giới châu Âu. Theo bà Tayyar, cách tiếp cận của Mỹ đối với người tị nạn cũng từng gặp phải chỉ trích vì các chính sách phân biệt đối xử có hệ thống tương tự.

Vị chuyên gia về nhân đạo chỉ ra rằng, trong khi Mỹ chấp nhận áp dụng quy chế bảo vệ tạm thời cho người Ukraine, thì những người tị nạn ở biên giới với Mexico vẫn bị đẩy lùi. Tại Afghanistan, việc Mỹ rút quân và Taliban tiếp quản cũng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa được giải quyết, bao gồm cả nạn đói quy mô lớn ở trong nước.

May mắn thay, có những nhóm như bà Tayyar vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch "Choose Love" (chọn yêu thương). Việc hỗ trợ những người tị nạn ở các nhóm nhỏ lẻ cũng rất quan trọng. Từ đó, mới có thể tìm ra chìa khóa để có được phản ứng thành công với các cuộc khủng hoảng tị nạn lớn hơn trong dài hạn.

Mỹ chê tên lửa Nga hay đánh trượt mục tiêu trong chiến dịch tại Ukraine?

Mỹ chê tên lửa Nga hay đánh trượt mục tiêu trong chiến dịch tại Ukraine?

Dẫn lời 3 quan chức Mỹ, hãng tin Reuters tiết lộ đánh giá của Washington rằng, tên lửa Nga sử dụng trong chiến dịch tấn ...

Ukraine sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong chiến tranh

Ukraine sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong chiến tranh

Giám đốc điều hành của công ty Clearview Hoan Ton-That cho biết, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm thứ Bảy vừa qua đã bắt đầu sử ...

(National Interest)