📞

"Những viên kim cương máu"

09:21 | 28/11/2008
Coi sừng tê giác là “thần dược chữa bách bệnh", người mắc bệnh hiểm nghèo nghĩ ngay tới nó. Nhiều đại gia thừa tiền tìm đến nó vì “sành điệu". Và giờ đây, những động vật có nguy cơ tuyệt chủng như tê giác, voi, hổ, báo... lại đang trở thành “những viên kim cương máu" (blood diamonds) khi các lực lượng phiến quân coi nó như món hàng quý để gây quỹ chiến tranh.

Mỗi chiếc sừng tê giác, cặp ngà voi, tấm da báo hay bộ xương hổ… đều có số phận riêng. Ở một góc rừng xa xôi nào đó, chúng đã kết thúc cuộc đời bởi những phát đạn oan nghiệt. Cơ thể của chúng bị cắt rời và được kẻ buôn lậu đưa vượt chặng đường dài hàng vạn dặm trước khi ra thị trường đen.

“Lực hấp dẫn"

Hoạt động buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm từ ĐVHD ngày nay được xếp vào hàng thứ ba thế giới, sau ma túy và vũ khí. Hàng loạt vụ buôn lậu ĐVHD bị phát hiện và không ít kẻ đã lĩnh án tù, nhưng họ vẫn lao vào như "thiêu thân".

Thực ra, có nhiều lý do hấp dẫn khiến nạn buôn lậu ĐVHD gia tăng, đặc biệt là tê giác. Thứ nhất, toàn thân tê giác được coi là kho "dược liệu". Ngay cả phân tê giác phơi khô ngâm rượu cũng là vị thuốc quý, trị được các bệnh tê thấp. Da tê giác hút được nọc độc rắn cắn... Tuy nhiên, sức hút mạnh nhất của tê giác lại nằm ở... sừng: Theo dân gian, bột mài từ sừng tê giác có thể giúp người nhược dương trở thành người đàn ông mạnh mẽ chốn phòng the. Có lẽ vì vậy mà sừng tê giác có giá rất cao ngoài chợ đen, dao động từ 17.000-50.000 USD/1kg.

Thứ hai, do được sử dụng trong các hàng hóa và sản phẩm truyền thống, nên chúng trở thành hàng "nhập lậu" bất đắc dĩ khi nhiều nước ban hành luật cấm buôn bán ĐVHD. Chẳng hạn ở Yemen, người ta dùng sừng tê giác để làm chuôi dao găm Dhjambia (hơn 80% đàn ông Yemen đeo Dhjambia), trong khi Yemen đã cấm nhập sừng tê giác từ năm 1982. Còn ở Trung Quốc, mặc dù Chính phủ đã cấm từ năm 1991, song đến nay sừng tê giác vẫn được dùng làm thuốc.

Thứ ba, do lợi nhuận cao, ĐVHD đang trở thành "những viên kim cương máu" mới khi các phiến quân sử dụng bọn săn trộm để gây quỹ chiến tranh. Một con vẹt đuôi dài Lear cũng bán được 90.000 USD, một tấm da hổ có giá 15.000 USD… Theo các quan chức CH Chad ở Trung Phi, 2 năm qua, bọn săn trộm đã tàn sát hàng trăm con voi ở Zakouma để lấy ngà mang bán mua vũ khí. Năm 2007, hải quan Anh cũng bắt giữ chuyến hàng ĐVHD của tổ chức Al-Qaeda trị giá 2,8 triệu bảng...

Báo động nạn buôn lậu

Theo báo cáo tại Hội nghị 14 (2007) của Tổ chức Traffic chuyên giám sát việc buôn lậu ĐVHD toàn cầu, thịt rừng và các sản phẩm ĐVHD bất hợp pháp đã tăng lên 10 tỷ USD mỗi năm và có thể tăng lên gấp đôi. Trung Quốc là thị trường lớn nhất, theo sau là Mỹ.

Mặc những thành công đáng ghi nhận của các tổ chức bảo vệ ĐVHD, số phận tê giác ở châu Á và châu Phi vẫn trong tình trạng báo động. Hàng chục con tê giác bỏ mạng mỗi năm và hàng triệu USD đang được giao dịch trên thị trường từ châu Phi sang châu Á. Theo Quỹ bảo tồn ĐVHD thế giới (WWF), Nam Phi từ lâu đã trở thành nơi tập kết của nhiều tay buôn bán ngà voi và sừng tê giác trên khắp thế giới. Hàng năm có tới mấy chục bộ sừng bị bọn buôn lậu đưa ra khỏi Nam Phi. WWF cũng cho biết chỉ trong 9 tháng của năm nay, tại rừng Kruger Park đã có tới gần 20 con tê giác bị giết để lấy sừng. Báo cáo của Traffic cũng cho thấy hơn 60% tê giác ở Congo bị giết hại từ năm 2003-2005. Tại Zimbabwe, nạn săn bắn trái phép gây ra hơn 2/3 cái chết của loài tê giác. Vụ bắt buôn lậu sừng tê giác nổi tiếng nhất có lẽ vào năm 1993, khi cảnh sát Đài Loan phát hiện một Công chúa Bhutan mang theo 22 chiếc sừng tê giác châu Á trị giá gần 750.000 USD vào vùng lãnh thổ này.

Săn lùng tê giác ráo riết, theo National Geographic, trên thế giới chỉ còn khoảng 1.900 con tê giác đen, 11.000 tê giác trắng châu Phi, 700 tê giác Sumatra, 1.200 tê giác Ấn Độ sống tại Công viên quốc gia Kaziranga, 60 tê giác Java. Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa công bố đàn tê giác Việt Nam chỉ còn khoảng 5 - 6 con, sống dọc theo sông Đồng Nai.

Cũng như Nam Phi, Nepal được thế giới công nhận là quốc gia thành công trong sự nghiệp bảo tồn môi trường thiên nhiên. Nhưng hiện nay, Nepal đã trở thành điểm trung chuyển quốc tế của bọn buôn lậu ĐVHD giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hàng trăm tấm da hổ và báo, kể cả xương và vuốt, gần 60 cặp ngà voi, hơn 100 sừng tê giác và 50 túi da linh dương Tây Tạng thu của bọn buôn lậu, được cất giữ tại Công viên quốc gia Chitwan (Nepal).

Năm 2006, một cuộc bố ráp diễn ra tại Hong Kong bắt được một chiếc tàu đi từ Cameroon, trên đó chứa 3 container đầy ngà voi. Theo Interpol, kẻ buôn lậu người Đài Loan này đã chuyên chở bằng đường thủy ít nhất 15 chuyến hàng (khoảng 40 tấn ngà voi), suy ra khoảng 4.000 con voi bị sát hại.

Nạn buôn lậu ĐVHD cũng làm tiêu diệt đàn hổ trong Công viên Quốc gia Siraska ở bang Rajasthan (Ấn Độ). Điều tra mới đây tiết lộ số lượng hổ ở Ấn Độ đã giảm từ khoảng 3.000 con cách đây vài năm xuống còn chừng 1.500 con hiện nay.

Nỗ lực ngăn chặn

Nạn buôn lậu voi, tê giác, hổ đã trở thành tâm điểm của hội thảo về Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp) do Chương trình Môi trường LHQ điều hành hồi giữa tháng 7/2008. Tại hội thảo, ông Willem Wijnstekers, Tổng thư ký CITES, nhấn mạnh: "Cần phải có các giải pháp mới đủ mạnh mới có thể kiềm chế và kiểm soát sự suy giảm của các loài. Lãnh đạo các nước G8 cũng nhận ra điều này và thể hiện cam kết thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với việc giảm buôn lậu các loài ĐVHD".

Các Bộ trưởng Môi trường ASEAN năm 2004 cũng đã cam kết phối hợp hành động chống buôn bán trái phép các loài ĐVHD. Và mới nhất, trong nỗ lực ngăn chặn săn bắn và buôn bán trái phép sừng tê giác, ngày 19/11/2008, LHQ đã tổ chức cuộc họp cấp cao tại Kenya và tuyên bố thành lập đội đặc nhiệm bảo vệ tê giác.

Đi vào thực chất, Interpol và Cơ quan Bảo vệ ĐVHD Kenya cũng đã phối hợp đánh "mẻ lưới" mang mật danh Operation Baba, thu giữ một tấn ngà voi cùng nhiều da hổ, báo, răng hà mã và 57 kẻ tình nghi. Interpol cho biết trong tương lai có thể thực hiện những vụ tương tự ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…

Tuy nhiên, không chỉ các tổ chức quốc tế tham gia triệt phá các đường dây buôn lậu ĐVHD, mà các quốc gia cũng phải vào cuộc và triệt để. Ví dụ ở Nam Phi, tuy khung hình phạt cho tội săn trộm và buôn bán bất hợp pháp ĐVHD khá nặng - từ 5-15 năm tù giam, song nước này vẫn cấp giấy phép cho một số tổ chức và cá nhân được quyền săn bắn và buôn bán tê giác. Trong năm 2006, có 250 giấy phép săn bắn tê giác đã được cấp, gây mơ hồ cho khách nước ngoài về sừng tê giác "có phép". Vì vậy, bà Michele Pickover ở tổ chức Bảo vệ Quyền động vật châu Phi ở Nam Phi, cảnh báo: "Nếu người ta có thể được cấp phép để bắn tê giác và buôn tê giác thì làm sao có thể kiểm soát được việc buôn lậu".

Huỳnh Hạnh

(tổng hợp)