Vốn là kỹ sư luyện kim, nhưng Muthuraman gia nhập Tata Steel năm 1966 với vai trò là học viên. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, ông làm việc trong lĩnh vực sản xuất sắt và phát triển kỹ thuật trong 10 năm. Đến năm 1975, sau khi có bằng thạc sĩ, ông chuyển tới bộ phận Marketing và doanh thu rồi trải qua 20 năm trong lĩnh vực này, sau đó được thăng chức Phó Chủ tịch. Một trong những thành tựu nổi bật nhất trước khi Muthuraman trở thành CEO của Tata Steel đó là dự án nổi tiếng Cold Rolling Mill năm 1995. Dưới sự điều hành của ông, dự án này đã thành công và hoàn thành trong thời gian kỷ lục.
Năm 2001, Muthuraman trở thành CEO của tập đoàn và bắt đầu áp dụng các chiến lược phát triển công ty. Nếu như trước đó, kim loại nóng dùng để sản xuất thép được coi là sản phẩm chính của tập đoàn, thì Muthuraman lại coi thép là sản phẩm “đinh” của Tata Steel. Mục tiêu của ông là tạo ra những loại thép rẻ nhưng có chất lượng tốt nhất. Và ông tập trung vào sản xuất thép chứ không chỉ cung cấp kim loại nóng cho các công ty thép khác nữa. Sự thay đổi đó đã tạo ra kết quả, lợi nhuận tính trên đơn vị tấn thép của Tata Steel là cao nhất thế giới, mặc dù mặt bằng sản xuất nhỏ.
Dù thép là một lĩnh vực kinh doanh cũ kỹ, nhưng Muthuraman luôn làm mới nó bằng cách áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất hoạt động của tập đoàn. Tata Steel được coi là tập đoàn sử dụng công nghệ thông tin sâu rộng nhất Ấn Độ. Muthuraman nói “chúng tôi có 5.000 bằng chứng nhận công nghệ và chi 115 triệu đôla vào công nghệ thông tin hơn 10 năm qua. Chúng tôi có 350 kỹ sư tin học trong công ty và thậm chí chúng tôi còn chiến thắng các giải thưởng sử dụng IT tốt nhất trong nước”.
Đồng thời, Muthuraman còn nâng cao kiến thức nền tảng về công nghiệp và công nghệ cho đội ngũ nhân viên. Hàng tuần tại trụ sở Tata Steel thường tổ chức một cuộc thi marathon về kiến thức cho công nhân về các chủ đề khác nhau. Ngoài ra, ngài CEO mê chơi golf này còn thường ghi lại các ý tưởng của mình và gửi cho nhân viên để họ nhận xét và thảo luận.
Định hướng của Muthuraman là sản xuất thép nơi có sẵn nguyên liệu thô và hoàn thiện sản phẩm nơi có thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, Tata Steel không chỉ tập trung đầu tư vào địa điểm sản xuất mà còn chú ý tới những thị trường tiềm năng. Tập đoàn đang mở rộng phạm vi sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2007, Tata Steel đã đầu tư vào khai thác và sản xuất thép tại Hà Tĩnh. Sau đó, tập đoàn cũng ký hợp đồng hợp tác với Tổng Công ty thép Việt Nam (VSC) trong các lĩnh vực đào tạo và phát triển nhân lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm, phát triển thị trường tại VN, chia sẻ kinh nghiệm trong khai thác, chế tạo thép và hỗ trợ VSC phát triển chiến lược phát triển ngành thép.
Bằng những chiến lược linh hoạt và phù hợp, Muthuraman đã đưa Tata Steel vào top những công ty sản xuất thép hàng đầu thế giới và ngày nay thực sự là một công ty toàn cầu. Dấu chân của Tata Steel đã trải khắp mọi nơi trên thế giới với năng suất 25,6 triệu tấn mỗi năm và hơn 84.000 nhân viên khắp 4 châu lục.
Hải An