📞

​Niềm tự hào của một Đại sứ

19:19 | 23/01/2017
Góp phần nâng cấp quan hệ Việt Nam – Philippines thành Quan hệ Đối tác Chiến lược, cứu trợ thành công các công dân Việt Nam trong cơn bão Hải Yến, thành lập Hội Hữu nghị,... có thể coi là những kết quả công tác mà Đại sứ Trương Triều Dương hoàn toàn có thể tự hào khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ ở đất nước nghìn đảo.

Xin Đại sứ chia sẻ về những đóng góp của Đại sứ trong việc phát triển quan hệ hữu nghị với Philippines mà phía bạn đánh giá cao và trao tặng phần thưởng cao quý nhất dành cho các Đại sứ có công đóng góp lớn vào việc xây đắp tình hữu nghị với Philippines?

Tôi được trao tặng Huân chương Sikatuna hạng Vàng (Order of Sikatuna, Grand Cross-Gold Distinction)– giải cao nhất (Gold Distinction). Huân chương này được trao cho các nhà ngoại giao có đóng góp lớn trong việc tăng cường phát triển quan hệ giữa Philippines và các nước khác. Giải thưởng này không chỉ dành cho các nhà ngoại giao nước ngoài mà còn dành cho các nhà ngoại giao của Philippines. Đi kèm với với Huân chương là bản tuyên dương công trạng, trong đó nêu lý do được trao tặng huân chương. Ngoài ra, tôi còn được phong danh hiệu Datu, có thể gọi là “Huân tước” để thể hiện sự trân trọng của Philippines dành cho người được tặng thưởng tước hiệu này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trao tặng huân chương Sinatuka cho Đại sứ Trương Triều Dương. (Ảnh: LTN)

Ngày 10/1/2017, tôi đến chào từ biệt Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Phủ Tổng thống Philippines. Sau khi trao đổi nhiều vấn đề, trước khhi tôi ra về, Tổng thống Rodrigo Duterte thông báo Chính phủ Philipines đã quyết định trao tặng tôi Huân chương Sikatuna hạng Vàng. Sau đó, Người phát ngôn của Tổng thống đã đọc quyết định tặng Huân chương, nêu rõ những đóng góp của tôi trong việc tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Philippines, trong đó có việc thúc đẩy thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược.

Có thể nói thêm rằng, trước đây Philippines chỉ có hai đối tác chiến lược là Nhật và Mỹ và trong một thời gian dài, dường như Philippines luôn cảm thấy thế là đủ nên việc đưa Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của bạn là một quyết định quan trọng.

Trong những đóng góp khác được Philippines nêu ra có đề cập đến việc chuẩn bị cho các chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao của nước ta sang thăm Philippines như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2014), Chủ tịch Trương Tấn Sang (2015) và chuyến thăm của Tổng thống Rodrigo Duterte sang thăm Việt Nam (2016). Trung bình mỗi năm có một đoàn thăm cấp cao.

Một việc nữa mà phía Philippines rất trân trọng là đóng góp của tôi vào việc cứu hộ cứu nạn các nạn nhân trong cơn bão Hải Yến (Haiyan) năm 2013. Bạn rất trân trọng việc Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên gửi tiền cứu trợ cho những nạn nhân cơn bão Hải Yến và tiếp đó, máy bay của hãng Vietjet Air đã trực tiếp tham gia gửi hàng cứu trợ sang Philippines, giúp đỡ nước bạn. Đặc biệt, với sự nỗ lực của Đại sứ quán Việt Nam, toàn bộ bà con người Việt ở vùng bị thiên tai đã được giải cứu và đưa về nước an toàn - một kỳ tích được nhiều người khâm phục.

Thưa Đại sứ, năm 2016 là một năm có nhiều dấu ấn trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Philippines. Đại sứ ấn tượng nhất với những bước tiến nào trong quan hệ hai nước?

Năm 2016 là năm đầu tiên hai nước bắt đầu thực hiện các thỏa thuận đối tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, y tế, kinh tế, quốc phòng, văn hóa, giáo dục.

Một trong những nền tảng quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược là việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác về an ninh quốc phòng. Dấu ấn của năm 2016 chính là chuyến thăm trao đổi thường xuyên của các lãnh đạo cấp cao về an ninh quốc phòng, thể hiện qua chuyến thăm Philippines của Thượng tướng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng tới Philippines họp Ủy ban Hỗn hợp về quốc phòng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác về quốc phòng. Ngoài ra, hai bên có hàng loạt các cuộc trao đổi, giao lưu đặc biệt giữa quân đội hai nước.

Lễ đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại sân bay Quốc tế Nội Bài. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2016 cũng đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Philippines. Tuần lễ văn hóa Việt Nam – Philippines đã diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, có sự góp mặt của đoàn ca múa nhạc nghệ thuật Việt Nam sang Philippines biểu diễn. Có rất nhiều quan khách, các cựu Tổng thống, trong đó có người bạn rất thân với Việt Nam là cựu Tổng thống Fidel Ramos, đông đảo lãnh đạo của Đoàn Ngoại giao đến tham dự. Tuần lễ văn hóa của Philippines tại Việt Nam cũng diễn ra sôi động.

Đặc biệt, trong năm 2016 chứng kiến chuyến thăm của Tổng thống Duterte sang thăm Việt Nam, một trong những nước đầu tiên trong ASEAN mà ông Duterte thăm sau khi nhậm chức.

Về cơ bản, năm 2016 là năm bản lề giữa hai chính quyền ở Philippines nhưng quan hệ giữa hai nước không hề bị gián đoạn. Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ và các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước được tổ chức rất long trọng. Truyền thông hai nước cũng đưa tin đậm nét và có những bài viết chuyên sâu về mối quan hệ tốt đẹp giữa bên.

Có thể thấy những năm qua là những những năm bận rộn của Đại sứ quán trong công tác bảo hộ công dân, trong đó có việc bảo vệ ngư dân và người Việt tại Philippines sau bão Hải Yến. Đại sứ có thể chia sẻ những khó khăn của công tác bảo hộ công dân của Đại sứ quán?

Công tác bảo hộ của Đại sứ quán gặp không ít khó khăn.

Đầu tiên là việc quản lý người Việt Nam sang Philippines rất khó, vì Philippines nằm trong khối ASEAN nên công dân Việt Nam được miễn thị thực trong vòng 30 ngày. Một số công dân của chúng ta tận dụng cơ hội đó để sang nước bạn và ở lại, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Theo luật pháp Philippines, những người quá hạn thị thực 1 tháng bị phạt 500 USD, 10 tháng là 5.000 USD và 100 tháng là 50.000 USD. Đó là những việc rất khó khăn nhưng chúng tôi thường xuyên phải xử lý với mục tiêu cao nhất là giúp bà con có thể được hồi hương an toàn và không bị phạt tiền.

Hàng cứu trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đến với cộng đồng người Việt bị ảnh hưởng bão Hải Yến ở Tacloban, Philippines. (Nguồn: Tienphong)

Việc thứ hai liên quan đến tàu bè Việt Nam xâm phạm lãnh hải nước bạn để đánh bắt các loại hải sản quý hiếm trong khi luật của Philippines quy định việc đánh bắt hải sản quý hiếm bị phạt rất nặng. Nhẹ nhất của hình phạt là 100.000 USD hoặc là kết án tù 2 năm đến 10 năm cho tội này. Việc giúp bà con khỏi bị giam giữ không hề đơn giản. Đã có nhiều người bị lĩnh tù hoặc phải nộp phạt nhưng cũng không có tiền để nộp.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của Đại sứ quán, đến cuối năm 2015, không có một thuyền viên Việt Nam nào còn ở trong tù ở Philippines.

Việc thứ ba là về quỹ bảo hộ công dân của chúng ta còn chưa dồi dào trong khi việc bảo hộ công dân có rất nhiều khoản chi phát sinh. Hơn nữa, một số công dân Việt Nam không am hiểu về luật nên việc giúp đỡ cũng không dễ dàng. Bên cạnh đó, Đại sứ quán ta tại Philippines có ít người nên chủ yếu chỉ có Đại sứ và một cán bộ lãnh sự tham gia giải quyết vụ việc.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng công tác bảo hộ công dân của ta ở Philippines có nhiều điểm sáng. Kỳ tích trong việc cứu trợ nạn nhân trong cơn bão Hải Yến và sự hiện diện của Tổng thống Philippines trong lễ trao trả các ngư dân Việt Nam vào tháng 11/2016 cho thấy những nỗ lực to lớn của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines trong công tác bảo hộ công dân.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)