📞

Ninh Bình: Xúc tiến đầu tư trong tình hình mới

Bảo Yến 09:43 | 12/07/2021
Trong bối cảnh dịch bệnh Coivd-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Ninh Bình đã đổi mới cách tiếp cận xúc tiến đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ phận một cửa Cục Hải quan Hà Nam Ninh (Số 2 Tràng An, P. Đông Thành, TP. Ninh Bình), tích cực cải cach thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ

5 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 340 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới. Mặc dù giảm 18 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ nhưng tổng số vốn đăng ký đạt 21.139,6 tỷ đồng tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ; Ngoài ra, có 128 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc hoạt động trở lại, tăng 33 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ; đăng ký thay đổi cho 355 lượt doanh nghiệp, tăng 22% so với cùng kỳ.

Kết quả này cho thấy công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh quan tâm chỉ đạo, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện đúng theo Quyết định số 03/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý Nhà nước về xúc tiến đầu tư; tập trung vào quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh về địa lý, tài nguyên thiên nhiên, về các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, CCN, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô.

Trong điều kiện dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, việc xúc tiến đầu tư thị trường quốc tế sẽ có nhiều hạn chế. Chính vì vậy trước mắt Ninh Bình sẽ chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, xây dựng danh sách các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để chủ động tiếp xúc vận động và kêu gọi đầu tư vào tỉnh.

Tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các báo, tạp chí, đài truyền hình biên soạn và phát hành các tài liệu phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức: xây dựng video clip- Ninh Bình hội nhập và phát triển bền vững; thực hiện chuyên đề "Ninh Bình: Kiến tạo môi trường đầu tư phát triển kinh tế" trên báo Diễn đàn doanh nghiệp; các chuyên đề về nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên Báo Đầu tư, Báo Ninh Bình...Cổng Thông tin điện tử tỉnh cũng đã xây dựng chuyên trang dành cho doanh nghiệp, cập nhật kịp thời, đầy đủ các chủ trương, cơ chế chính sách, dự án thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin về Ninh Bình.

Cùng với đó, Ninh Bình đã rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có được mặt bằng nhanh chóng, thuận tiện sớm đi vào hoạt động.

Tỉnh cũng hỗ trợ cung ứng và đào tạo lao động, rà soát quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với quy hoạch tỉnh, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Có định hướng huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề, hợp tác với các trường đại học, cao đẳng các trường nghề để liên kết đào tạo tại tỉnh. Khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học- kỹ thuật cho người lao động.

Cải thiện môi trường đầu tư

Với quan điểm của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính. Tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệp quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn. Do đó, tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Năm 2021 là năm đầu thời kỳ quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, để tham mưu, xây dựng quy hoạch hiệu quả mang tính chiến lược, dài hạn, tỉnh Ninh Bình sẽ tiến hành học tập kinh nghiệm tại một số địa phương trong nước đã thực hiện thành công việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực canh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút được nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Trước mắt tỉnh sẽ nghiên cứu, rà soát, đánh giá, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và định hướng phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch ngành, lĩnh vực, đặc biệt quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất… đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, liên kết, khả thi làm cơ sở để quản lý và thu hút các dự án đầu tư.

Ninh Bình cũng đang từng bước hoàn thiện việc quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã quy hoạch 7 KCN ; thành lập, mở rộng 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích 602,81 ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê là 464,7106 ha, diện tích đất đã cho thuê là 254,98 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân 54,9%, diện tích đất công nghiệp còn lại có thể cho thuê là 209,73 ha, chiếm tỷ lệ 45,1%. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua bước đầu đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Hiện toàn tỉnh có 5 KCN đi vào hoạt động thu hút được 117 dự án, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%; 10 cụm công nghiệp đã thu hút 182 dự án đầu tư, trong đó có 87 dự án của doanh nghiệp và 95 dự án do các hộ sản xuất, tổng diện tích đã cho thuê 255 ha với tổng số vốn đăng ký đầu tư 13.642,7 tỷ đồng.

Cùng với sự đầu tư đồng bộ về các điều kiện cơ sở hạ tầng, Ninh Bình cũng tăng cường liên kết vùng, gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, để huy động tối đa nguồn lực đầu tư.

Công khai, minh bạch thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đất đai, môi trường... nâng cao vai trò trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm nhiệm vụ xúc tiến đầu tư.