📞

Nỗ lực cao nhất cứu hộ phà SEWOL

07:50 | 24/04/2014
Tính đến trưa ngày 23/4, 152 thi thể đã được tìm thấy trong vụ Chìm phà Sewol ngoài khơi tây nam hàn quốc. 150 người vẫn ở đâu đó ngoài khơi mênh mông nước. Trên bờ, thân nhân các hành khách gào khóc thảm thiết. Dưới biển, hàng trăm tàu, thuyền, máy bay và nhân viên cứu hộ vẫn nỗ lực tìm kiếm người mất tích với hy vọng mong manh.
Hơn 200 tàu và hàng chục máy bay đang được huy động để tìm kiếm những thi thể nổi trên mặt biển.

Theo thông tin từ cuộc họp báo ngày 21/4 của Cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp về tai nạn chìm phà SEWOL, thiết bị tìm kiếm dưới nước được điều khiển từ xa đã được đưa vào sử dụng nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho công tác tìm kiếm và trục vớt thi thể các nạn nhân. Báo The Korea Herald cho biết, thiết bị này là Robot Crabster CR200, có khả năng "bò" dọc theo đáy đại dương, ở độ sâu khoảng 200 m. Robot Crabster CR200 sử dụng sóng siêu âm có thể quét lại hình ảnh ba chiều, và có thể chuyển tiếp hình ảnh thông qua camera đặc biệt được tích hợp trên thân.

Các nhà chức trách cho biết, các hoạt động tìm kiếm được đẩy mạnh vào thời điểm thủy triều rút, khi đó áp lực nước trong các khoang của chiếc phà giảm xuống. Hãng Reuters mô tả, các thợ lặn đeo bình dưỡng khí, khi lặn xuống các khoang tối bên dưới chỉ có thể nhìn thấy vật thể trong khoảng cách vài chục centimet, vì vậy họ phải dùng tay để mò mẫm các thi thể trôi nổi trong khoang. "Dù chúng tôi đã được huấn luyện trong môi trường khắc nghiệt nhưng ngay cả với một người dũng cảm, công việc này cũng không hề dễ dàng", thợ lặn Hwang Dae-sik nói.

Cùng với việc tìm kiếm bên trong khoang phà, hơn 200 tàu và hàng chục máy bay đang được huy động để tìm kiếm những thi thể nổi trên mặt biển. Yonhap cho biết, hiện nay giới chức trách nước này đã chuyển công tác cứu hộ phà SEWOL sang công tác phục hồi.

Về việc điều tra nguyên nhân vụ chìm phà, dựa trên nội dung băng ghi âm liên lạc giữa nhân viên trên phà SEWOL và trung tâm điều hành giao thông tàu phà Chindo (VTS) được công bố vào ngày 20/4, cảnh sát đã bắt giữ thêm bốn thành viên thủy thủ đoàn trên phà SEWOL với cáo buộc bỏ mặc chiếc phà bị đắm và không thực thi nhiệm vụ cứu hộ các hành khách một cách đầy đủ. Trước đó vào ngày 19/4, ba ngày sau khi xảy ra sự cố chìm phà, thuyền trưởng và hai thuyền viên phà SEWOL cũng đã bị bắt giữ, trong đó có thuyền phó thứ ba, người được cho là đã điều khiển chiếc phà vào thời điểm chiếc phà bị chìm. Báo Korea Joong Ang Daily dẫn lời các nhà điều tra cho biết, nữ thuyền phó thứ ba đã khai nhận chiếc phà đã mất thăng bằng và vượt quá tầm kiểm soát của cô sau khi cô cho phà rẽ phải với vận tốc gần tối đa. Cho đến giờ, đây được coi là nguyên nhân chính đã dẫn đến tai nạn thảm khốc này.

Bên cạnh những diễn biến về công tác cứu hộ, phục hồi và điều tra nguyên nhân chìm phà SEWOL, dư luận Việt Nam hiện đang rất quan tâm đến số phận về gia đình cô dâu người Việt là chị Phan Ngọc Thanh quê ở Cà Mau, là hành khách đi trên chuyến phà định mệnh này. Ngày 19/4, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao, Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, bố đẻ chị Thanh là ông Phan Văn Chạy và em gái Phan Ngọc Hạnh đã từ Việt Nam bay sang Hàn Quốc. Ngày 21/4, gia đình chị Thanh đã gặp cháu Kwon Ji-yeon là con gái chị Thanh, may mắn được cứu sống. Hiện các thành viên gia đình chị Thanh đã được đại diện Bộ Phụ nữ và Bình đẳng giới Hàn Quốc hỗ trợ đi tàu xuống ga Mokpo, tỉnh Chonlanam-do, từ đó di chuyển xuống quận Jindo để tìm hiểu các thông tin về chị Thanh, con rể và cháu ngoại hiện còn đang trong diện mất tích.

Số phận của những người bị mất tích vẫn đứng giữa nhiều giả thuyết: Họ đang lưu lạc ở vùng biển nào đó hoặc đang vật lộn với sự sống trong các ống khí ở xác phà? Dẫu cho câu trả lời còn mù mịt, dẫu cho hy vọng không nhiều, đặc biệt sau khi toàn bộ phà đã chìm dưới nước, các đội cứu hộ vẫn không ngừng tìm kiếm để có thể mang những người mất tích về với người thân sớm nhất. Đoàn Ngọc