Triển khai các giải pháp hiệu quả chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác là mấu chốt trong tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. |
Tại Tọa đàm năm 2019 về Phát triển của luật pháp quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau hai lần tới Việt Nam thanh, kiểm tra, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) đã đánh giá Việt Nam tích cực thực hiện các khuyến nghị, thể hiện bằng hành động như: sửa đổi, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thay đổi về nhận thức, tuyên truyền tới người dân và thực hiện một số biện pháp nhằm theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
EC tiếp tục khuyến nghị
Tuy nhiên, bà Huệ cũng cho biết, sau lần kiểm tra thứ hai này, EC tiếp tục đưa ra bốn khuyến nghị: Tiếp tục hoàn thiện khung pháp; tổ chức thực thi pháp luật; quản lý, cân bằng giữa cường độ khai thác hải sản với nguồn tài nguyên và thực hiện biện pháp truy xuất nguồn gốc hải sản.
Cũng theo bà Huệ, EC đặc biệt nhấn mạnh về khả năng thực thi pháp luật khi đã có khung pháp lý, đây là một trong những vấn đề khiến EC “lăn tăn” nhất.
Cụ thể, vào giữa tháng 11/2019, lần thứ hai đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam. Bà Voronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề biển và thủy sản của EC, Trưởng đoàn kiểm tra của EC nhận định, Việt Nam đã xây dựng được khung khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo (IUU). Đoàn kiểm tra của EC cũng bày tỏ ấn tượng với nỗ lực gỡ thẻ của Việt Nam.
Cũng như lần thứ nhất (tháng 5/2018), đoàn kiểm tra EC kiến nghị, Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là địa phương tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật, đặc biệt là cấp tỉnh và trung ương cần tăng cường giám sát và kiểm tra.
Đoàn kiểm tra EC cũng đề nghị Việt Nam cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thuỷ sản Việt Nam; cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24m và có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về việc sử dụng thiết bị định vị.
Bà Voronika Veits nhấn mạnh, ngoài sự vào cuộc của các cấp chính quyền, việc thay đổi trong nhận thức của người dân rất quan trọng trong việc đảm bảo triển khai đồng nhất, toàn diện các giải pháp chống khai thác hải sản trái phép. Bên cạnh việc tái cơ cấu đội tàu, Việt Nam cần định hướng lại sản xuất của ngành theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi từ khai thác sang nuôi trồng hải sản.
Sau hai năm, EC công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam.
Cam kết giải quyết vướng mắc
Lý giải về các nguyên nhân chưa thực hiện kịp các khuyến nghị của EC, đại diện Tổng cục Thuỷ sản nêu rõ, việc triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển cho hơn 31.500 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên chưa triển khai kịp tiến độ theo lộ trình quy định, do chưa được bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tàu cá, giám sát hành trình, sản lượng qua cảng… chưa kết nối đồng bộ; việc ghi, nộp nhật ký khai thác thực hiện chưa nghiêm túc, thông tin ghi chưa đầy đủ, không chính xác dẫn tới hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Về vấn đề này, bà Phan Thị Huệ cho rằng, Việt Nam gặp khó một phần do yếu tố khách quan. Hiện nay, các nước quản lý chặt chẽ theo ngày về số lượng khai thác, tức là mỗi ngày không được khai thác vượt quá số lượng quy định, trong khi Việt Nam đang quản lý theo hạn mức số lượng tàu cá được ra khơi.
Theo bà Huệ, dù mới thực hiện việc áp số lượng tàu cá thôi cũng đã gặp không ít ý kiến phản đối của ngư dân. Thêm vào đó, Việt Nam hiện đầu tư còn rất ít về nhân lực và tài chính cho thực hiện, quản lý, giám sát các khuyến nghị nên kết quả chưa được như mong đợi.
Tại buổi tiếp đoàn kiểm tra của EC, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp cho biết, việc chấm dứt hoàn toàn khai thác IUU cần nhiều thời gian. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt là một số quy định liên quan đến việc kiểm soát, xử lý tàu cá vi phạm trong nước và kiểm soát tàu cá nước ngoài cập cảng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ khai thác.
Việt Nam cũng sẽ tổ chức đánh giá nguồn lợi thủy sản và đảm bảo cân bằng giữa cường lực khai thác và nguồn lợi thủy sản, giảm dần số lượng tàu khai thác, đảm bảo quy mô đội tàu phù hợp với nguồn lợi hải sản. Ngành thủy sản cũng sẽ tập trung công tác lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá và sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Cũng theo bà Huệ, dù chưa đưa ra kết luận sau khi kết thúc 10 ngày kiểm tra tại các tỉnh, thành của Việt Nam nhưng đoàn công tác của EC đã có ấn tượng tốt với khả năng khắc phục của Việt Nam, EC cũng cho biết “thẻ có thể đổi màu” theo hướng tích cực trong thời gian tới.
Theo báo cáo từ Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), từ khi bị phạt “thẻ vàng” (tháng 10/2017), kim ngạch xuất khẩu thủy-hải sản sang EU của Việt Nam đã giảm nhiều. Từ vị trí thứ hai, EU tụt xuống đứng thứ năm, tỷ trọng của thị trường này cũng giảm từ 18% xuống 13%.
Theo báo cáo từ Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), từ khi bị phạt “thẻ vàng” (tháng 10/2017), kim ngạch xuất khẩu thủy-hải sản sang EU của Việt Nam đã giảm nhiều. Từ vị trí thứ hai, EU tụt xuống đứng thứ năm, tỷ trọng của thị trường này cũng giảm từ 18% xuống 13%. |