Tiếp tục tại vị
Ngày 7/12, Tòa án Tối cao Brazil đã ra phán quyết không đình chỉ chức vụ của Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros. Với phán quyết này, ông Calheiros tiếp tục là nhân vật quyền lực thứ ba tại Brazil (sau Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện) bất chấp việc ông sắp phải hầu tòa vì bị cáo buộc nhận hối lộ trong vụ bê bối của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.
Với sự nhất trí của 6 trên tổng số 9 thẩm phán, Tòa án Tối cao Brazil cho phép ông Calheiros, 61 tuổi, tiếp tục đảm nhiệm cương vị lãnh đạo tại Thượng viện, và ông có thể chủ trì phiên họp của cơ quan này vào ngày 13/12 tới. Tuy nhiên, ông Calheiros sẽ không được đảm nhận cương vị tổng thống theo hiến pháp nước này. Hiến pháp Brazil quy định chủ tịch hai viện quốc hội sẽ lần lượt tiếp quản vị trí của người đứng đầu chính phủ trong trường hợp tổng thống không thể điều hành đất nước.
Chủ tịch Thượng viện Brazil Renan Calheiros. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, ngày 6/12, Thượng viện Brazil đã bác quyết định của thẩm phán Mello về việc đình chỉ chức vụ Chủ tịch Thượng viện của ông Calheiros. Quyết định này của ông Mello đã khiến cuộc khủng hoảng giữa Quốc hội và Tòa án Tối cao Brazil trở nên trầm trọng trong bối cảnh các cuộc điều tra tham nhũng ở Petrobras ngày càng mở rộng và có thêm nhiều chính trị gia liên đới.
Ngày 1/12, Tòa án Tối cao Brazil đã ra thông báo điều tra hành vi tham ô của Chủ tịch Thượng viện Calheiros. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Quốc hội và Tòa án Tối cao Brazil sau khi Hạ viện nước này hôm 30/11 thông qua một dự luật, trong đó có quy định hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong các hoạt động điều tra tham nhũng. Quyết định trên của Hạ viện cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Brazil. Người dân đã đổ xuống đường biểu tình bày tỏ sự tức giận tại nhiều thành phố lớn như thủ đô Brasilia, Río de Janeiro và Sao Paulo. Hôm 4/11, nhiều tổ chức xã hội đã phát động cuộc tuần hành lớn trên toàn quốc nhằm phản đối Quốc hội, tình trạng tham nhũng và yêu cầu tiếp tục điều tra vụ Petrobras.
Tháo ngòi căng thẳng
Vụ bê bối Petrobras bị phanh phui từ tháng 3/2014 sau khi ông Roberto Costa, Giám đốc Cung ứng của Petrobras, khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của tập đoàn này cấu kết thành lập. Vụ bê bối này đã gây chấn động chính trường Brazil khi hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang cũng nằm trong diện bị điều tra. Theo cơ quan điều tra, 16 công ty đã móc ngoặc với nhau trong vụ việc này, trong đó có các tập đoàn xây dựng lớn của Brazil như Odebrecht và Andrade Gutierrez, để làm giá khi bỏ thầu các công trình của Petrobras, nâng khống giá lên gấp nhiều lần và dùng số tiền chênh lệch lên tới 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras.
Tình hình chính trường Brazil đã trở nên phức tạp sau khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ chức vụ từ ngày 12/5 để quốc hội nước này tiến hành quá trình xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Ngân sách và Luật Trách nhiệm Tài chính. Bà Rousseff đã bị Thượng viện Brazil phế truất vào ngày 31/8 với 61 phiếu đồng ý và 20 phiếu chống, và ông Michel Temer đã chính thức nhậm chức tổng thống và thay bà Rousseff điều hành đất nước tới hết năm 2018. Bà Rousseff cho rằng việc bỏ phiếu bãi nhiệm bà là một "cuộc đảo chính" và nộp đơn kháng cáo.
Giới quan sát cho rằng quyết định bãi nhiệm bà Rousseff sẽ khiến chính quyền của tân Tổng thống Temer gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Và đúng như dự đoán của các chuyên gia, sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Temer đã phải đối mặt với hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.
Thách thức đối với ông Temer ngày càng lớn khi ngày 7/9, tờ "Folha de Sao Paulo" đưa tin các công ty tham gia xây dựng nhà máy thủy điện Belo Monte đã hối lộ hơn 41 triệu USD cho đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của Tổng thống Temer, thông qua các khoản đóng góp trong chiến dịch tranh cử giai đoạn 2010-2014. Số tiền này tương đương 1% giá trị hợp đồng xây dựng nhà máy Belo Monte, lớn thứ ba thế giới. Cảnh sát Brazil đã lần ra dấu vết vụ tham ô này từ lời khai của các nhân chứng trong quá trình điều tra vụ bê bối tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Tổng thống Brazil Michel Temer. (Nguồn: comente.me) |
Cũng theo báo trên, trong số các chính trị gia được hưởng lợi nhiều nhất từ số tiền tham ô này có nhiều thượng nghị sĩ của PMDP, trong đó có Chủ tịch Thượng viện Calheiros - nhân vật thân tín nhất của Tổng thống Temer và là nhân vật có thế lực trong đảng PMDB cầm quyền.
Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latin cũng đang chìm trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong 25 năm và lạm phát ở mức 10,67%, cao nhất trong vòng 12 năm gần đây. Quốc gia Nam Mỹ này hiện đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nền kinh tế sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Thêm vào đó, Brazil cũng phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50% và nợ công tương đương 65% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chính phủ Brazil dự báo nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latin sẽ tăng trưởng âm 3,5% trong năm 2016, mức giảm sâu hơn so với dự báo 3% đưa ra 4 tháng trước. Năm 2017, tăng trưởng được hy vọng khôi phục ở mức 1%, giảm từ mức 1,6% dự báo trước đó.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, với việc Tòa án Tối cao Brazil ra phán quyết không đình chỉ chức của Chủ tịch Thượng viện Calheiros, căng thẳng giữa Tòa án Tối cao và Thượng viện, vốn đe dọa làm chệch kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách để giảm thâm hụt ngân sách và cải thiện kinh tế của chính phủ đã phần nào được “hạ nhiệt”.