Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam Pierre Du Ville phát biểu tại Hội thảo quốc tế ‘Hợp tác vì biên giới, biển, đào, hòa bình và phát triển’ ngày 8/10 tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn) |
Bên lề Hội thảo quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo, hòa bình và phát triển” ngày 8/10 tại Hà Nội vừa qua, Trưởng đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam Pierre Du Ville trả lời phỏng vấn đề cao ý nghĩa của Hội thảo cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp về phân định và quản lý biên giới một cách hòa bình thông qua biện pháp ngoại giao.
Đánh giá của ông về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo quốc tế “Hợp tác vì biên giới, biển, đảo, hòa bình và phát triển” và dự án hợp tác về thể chế của Việt Nam nhằm mục tiêu tăng cường năng lực giữa các đối tác trong lĩnh vực phân định và quản lý biên giới?
Trong bối cảnh một số xung đột trên thế giới vẫn đang được giải quyết bằng vũ lực thay vì đối thoại, việc tổ chức Hội thảo này là rất quan trọng. Tình hình thế giới hiện nay cho thấy việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 16 về duy trì công lý, gìn giữ hòa bình và tăng cường thể chế càng trở nên cấp thiết và phù hợp hơn bao giờ hết.
Dù hết sức nỗ lực, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, đặc biệt là trong việc quản lý mối quan hệ với các nước láng giềng và giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng lấn. Do đó, hội nghị này rất ý nghĩa và có giá trị thiết thực bằng cách tạo cơ hội cho các chuyên gia trao đổi các thông lệ, kinh nghiệm và cách tốt nhất để giải quyết hiệu quả các vấn đề mà nhiều quốc gia gặp phải trong lĩnh vực quản lý biên giới ở hiện tại cũng như trong quá khứ. Tại Hội thảo, chúng ta có thể so sánh các vấn đề rất cụ thể ở các khu vực khác nhau trên thế giới như Bỉ, Canada, Australia, Hàn Quốc và Philippines.
Đây là một vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi những kỹ năng rất quan trọng và kiến thức chuyên sâu mà các quốc gia chắc chắn cần phải củng cố và cập nhật liên tục.
"Biên giới cả trên đất liền và trên biển xác định không gian sinh tồn và phát triển của các quốc gia, đồng thời thể hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia theo luật pháp quốc tế. Do đó, việc phân định rõ ràng biên giới và quản lý, hợp tác hiệu quả trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cũng như xây dựng mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia liên quan." (Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ) |
Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế ‘Hợp tác vì biên giới, biển, đào, hòa bình và phát triển’. (Ảnh: Anh Sơn) |
Nhận xét của ông về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua biện pháp ngoại giao, đối thoại song phương với các nước láng giềng và tích cực tham gia các diễn đàn khu vực, đặc biệt là ASEAN?
Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại song phương và đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp, đặc biệt là ở Biển Đông. Vừa qua tại Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Việt Nam cũng là một bên tham gia tích cực và đóng góp cho ASEAN kể từ khi gia nhập năm 1995. Việt Nam đã thông qua tổ chức này để ủng hộ giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và xây dựng sự đồng thuận giữa các quốc gia Đông Nam Á. Ví dụ, Việt Nam đã ủng hộ các nỗ lực thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm quản lý căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.
Ngoài ASEAN, Việt Nam cũng cam kết đầy đủ về việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình tại các diễn đàn đa phương khác như Cộng đồng Pháp ngữ hoặc Liên hợp quốc nhằm quốc tế hóa các vấn đề khi cần thiết, đồng thời cân bằng với việc ưu tiên đàm phán song phương. Những nỗ lực ngoại giao này được coi là những đóng góp mang tính xây dựng cho sự ổn định khu vực. Đây là điều hoàn toàn cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời đảm bảo phúc lợi cho người dân.
Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo trao tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam cho gia đình cố Giáo sư Jean Salmon ngày 4/10 tại Brussels. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Bỉ) |
Ông có thể điểm lại những dấu ấn nổi bật trong hợp tác giữa Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam?
Hợp tác giữa Ủy ban Biên giới Quốc gia và Wallonie-Bruxelles là một câu chuyện thành công lâu dài trong hơn 20 năm qua. Ngày 4/10 vừa qua tại Brussels, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ Nguyễn Văn Thảo đã bày tỏ lòng tri ân đến cố Giáo sư Jean Salmon, một chuyên gia lỗi lạc về luật quốc tế, người đã có những đóng góp đáng kể cho công tác nghiên cứu và giảng dạy luật quốc tế, đồng thời tham gia nhiều năm vào các dự án hợp tác với Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã chia sẻ kiến thức và chuyên môn, đồng thời cung cấp cho Việt Nam tư vấn pháp lý và đào tạo chất lượng cao cho các cán bộ làm biên giới lãnh thổ. Hiện chúng tôi rất hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ đối tác này với Ủy ban Biên giới quốc gia trong chương trình hợp tác tiếp theo của chúng tôi trong giai đoạn 2025-2027.
Xin cảm ơn ông!