📞

Nỗ lực vì một nền hòa bình Syria

16:18 | 05/05/2017
Biên bản ghi nhớ được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký kết ngày 4/5 tại Kazakhstan về thiết lập vùng an toàn ở Syria là nỗ lực mới nhất của các bên nhằm lập lại ổn định.

Động thái này cũng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Thành công ngoài mong đợi

Ngày 4/5, tại vòng đàm phán thứ 4 về Syria ở Astana, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thảo luận các vấn đề quản trị, quy trình và tiến độ soạn thảo bản hiến pháp mới, tổ chức bầu cử trên cơ sở một tiến trình do người Syria lãnh đạo và thực hiện nhằm kết thúc cuộc xung đột.

Kết thúc vòng hòa đàm Syria, đại diện phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký bản ghi nhớ về thiết lập các vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria do Nga đề xuất. Thỏa thuận cho phép thiết lập các vùng an toàn ở tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, vùng El-Rastan thuộc tỉnh Homs và vùng đất Đông Ghouta của phe đối lập ở gần Damascus. Đây là các khu vực xảy ra giao tranh dữ dội nhất giữa quân đội Chính phủ Syria, phong trào Nusra và lực lượng đối lập. 

Tuy nhiên, đại diện phe đối lập đã tỏ thái độ giận dữ sau khi vòng đàm phán kết thúc do phản đối sự tham dự của Iran. Phe đối lập Syria tuyên bố không chấp nhận việc thiết lập vùng an toàn tại Syria, bởi điều này đe dọa tới tính toàn vẹn lãnh thổ, và sẽ không công nhận Iran là một nước bảo trợ cho kế hoạch hòa bình Syria.

Trước đó, ngày 3/5, Nga đã đề xuất thành lập các vùng an toàn ở Syria với mục tiêu chấm dứt ngay tình trạng bạo lực và tạo điều kiện cho sự trở về an toàn và tình nguyện của người tị nạn, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ và hỗ trợ y tế.

Ngoại trưởng Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi họp ngày 20/12/2016 về tình hình Syria. (Nguồn: AFP)

Phản ứng của quốc tế

Sau khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria, Bộ Ngoại giao Syria đã hoan nghênh động thái này, đồng thời khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận chấm dứt thù địch đã ký ngày 30/12/2016. Phía Chính phủ Syria cũng nhấn mạnh rằng quân đội Syria sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố trên khắp đất nước.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn trên chuyên cơ từ Moscow về Ankara sau chuyến thăm Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cũng đánh giá kế hoạch được ký kết sẽ giúp “giải quyết được 50% vấn đề Syria”. Ông cho rằng đây là một “khái niệm mới” và khác biệt với các đề xuất trước đó của Ankara về các vùng an toàn ở Syria.

Trong khi đó, Mỹ đã hoan nghênh một cách thận trọng kế hoạch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập các vùng an toàn tại Syria. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết Washington hy vọng thỏa thuận sẽ giúp ngăn chặn bạo lực, nhưng bày tỏ quan ngại về sự tham gia của Iran trong thỏa thuận này. Theo bà Nauert, Mỹ đánh giá cao nỗ lực của các nước bảo trợ còn lại là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tháo gỡ tình hình hiện nay tại Syria. Phía Mỹ cũng mong muốn tiếp tục đối thoại với Nga về những nỗ lực để có thể giải quyết một cách có trách nhiệm cuộc xung đột Syria.

Sau vụ tấn công bằng tên lửa Tomahawk vào căn cứ của không quân Syria, Mỹ đang tỏ ra thận trọng hơn. (Nguồn: AP)

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thì khẳng định hoàn toàn ủng hộ việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria, cũng như hỗ trợ các chính sách góp phần ổn định và vãn hồi hòa bình ở Syria. Trung Quốc cho rằng các nước “cần phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.

Một mũi tên trúng hai đích

Thực tế cho thấy, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã có nhiều đóng góp tích cực cho tiến trình hòa bình Syria. Ngày 20/12/2016, tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã có cuộc gặp tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Syria. Cả ba đều nhất trí rằng các biện pháp quân sự không bao giờ là giải pháp hữu hiệu đem lại hòa bình cho Syria, đồng thời đánh giá cao tầm quan trọng của các giải pháp chính trị phù hợp với quyết định của Liên hợp quốc.

Tiếp đó, ngày 28/12, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí với kế hoạch ngừng bắn chung trên toàn bộ lãnh thổ Syria, ngoại trừ các nhóm khủng bố, tạo cơ sở cho việc tiến hành cuộc đàm phán chính trị lần đầu tiên giữa Chính phủ Syria và các phe nhóm đối lập tại Astana vào hai ngày 23-24/1. Tại cuộc hòa đàm này, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã nhất trí thành lập một cơ chế ba bên để giám sát và đảm bảo việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn tại Syria cũng như ngăn chặn mọi hành động khiêu khích.

Tại vòng đàm phán thứ hai diễn ra ngày 16/2 với sự tham dự của ba nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập đã nhất trí thành lập nhóm hỗn hợp giám sát ngừng bắn tại Syria và đề ra các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột.

Binh sỹ quân đội Chính phủ Syria tại làng Minyan, phía Tây Aleppo. (Nguồn: AFP)

Không chỉ đưa ra kết quả tích cực, cuộc đàm phán giữa đại diện chính quyền Syria và các nhóm đối lập do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ lần này còn tiếp tục củng cố vị thế của Moscow, Ankara và Tehran trong khu vực Trung Đông. Các nhà phân tích cho rằng, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang chiếm ưu thế trên bàn cờ Syria sau thắng lợi lớn ở thành phố Aleppo của quân đội Syria dưới sự hỗ trợ của lực lượng quân đội Nga.

Với chiến thắng Aleppo, Nga đã ở thế thượng phong và ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. Cuộc chiến chống khủng bố mà Nga tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Syria al-Assad đã mở ra tiến trình chính trị và hòa giải giữa các bên xung đột.

Trong khi đó, thất bại của phe nổi dậy Syria ở Aleppo cho thấy, sự hậu thuẫn mà Mỹ và các nước đồng minh dành cho lực lượng này dường như không hiệu quả. 

Với Thổ Nhĩ Kỳ, chiến lược hợp tác có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cải thiện quan hệ với Nga trong vấn đề Syria, đặc biệt là sau những căng thẳng xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11/2015.

Đối với Iran, việc ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria đã thể hiện được quyết tâm của Tehran trong việc trở thành nước lớn trong khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng, việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria tại cuộc đàm phán lần này là một bước đột phá mới trong tiến trình đem lại hòa bình cho Syria, đồng thời không thể phủ nhận vai trò tích cực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

(theo TTXVN)