“Nợ nước ngoài” là cụm từ không mang lại ấn tượng tốt đẹp đối với Mỹ Latin. Theo số liệu mới công bố của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribbean thuộc Liên hợp quốc (CEPAL), năm 2016, nợ nước ngoài của Mỹ Latin, gồm nợ công và nợ tư nhân, đã lên tới 1.470 tỷ USD, tăng hơn 80% so với năm 2009.
Giáo sư Juan Ignacio Sanz, Khoa ngân hàng và Thị trường Chứng khoán Trường Luật ESADE chia sẻ: “Chúng tôi đang phải đối mặt với vấn đề nợ công tăng quá mức trên toàn thế giới”.
Trong các nước Mỹ Latin, Mexico hiện đứng đầu trong danh sách nợ công nước ngoài với 180.98 tỷ USD năm 2016, tăng gần đôi so với năm 2009, tương đương 18,3% GDP của nước này. Vấn đề của Mexico đến từ việc nước này chủ yếu dựa vào nguồn thu của Pemex - công ty đóng góp khoảng 30% ngân sách cho Chính phủ Liên bang. Theo CEPAL, việc giá dầu giảm tới hơn 50% trong 3 năm trở lại đây, cộng với khâu quản lý yếu kém, đã gây ra “một lỗ hổng tài chính lớn” và đẩy nợ nước ngoài của Mexico tăng lên nhanh chóng.
Nợ nước ngoài tại Mexico đang gia tăng với một tốc độ chóng mặt. |
Venezuela cũng là nước phải gánh chịu những hệ quả nặng nề từ giá dầu thấp. Theo CEPAL, nợ nước ngoài của Venezuela năm 2016 đứng ở mức 132,15 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2009 và tương đương 21,7% GDP. Việc giá dầu lao dốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khoản thanh toán của Venezuela, khiến quốc gia Nam Mỹ này hầu như không tăng trưởng trong năm 2017. Trước nguy cơ vỡ nợ, Venezuela đang cố gắng đưa ra những lời mời hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phân bổ ngân sách còn lại để chi trả các khoản nợ “không thể trì hoãn”.
Brazil, quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, chỉ tăng trưởng 0,4% trong năm 2017 sau 2 năm liên tiếp bị suy thoái kinh tế. Theo CEPAL, từ năm 2014, nợ công của Brazil đã giảm 6,3% nợ công và đến năm 2016 chỉ còn ở mức 130,27 tỷ USD, tương đương 7,8% GDP. Tuy nhiên, nếu tính cả nợ ở khu vực tư nhân, Brazil vẫn là quốc gia có nợ nước ngoài lớn nhất trong khu vực, với con số lên tới 321, 29 tỷ USD.
Trong khi đó, trong năm đầu tiên lãnh đạo Argentina, Tổng thống Mauricio Macri đã phải đau đầu với khoản nợ nước ngoài lên tới 95,3 tỷ USD của quốc gia này, tăng 13,6% so với năm trước và chiếm 7,8% GDP. “Di sản” mà ông Macri được thừa hưởng có một phần không nhỏ đến từ căng thẳng của chính quyền tiền nhiệm và các chủ nợ nắm giữ các quỹ đầu tư. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi Chính phủ của cựu Tổng thống Cristina Kirchner từ chối đàm phán lại nợ, ngay cả khi nước này đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tổng thống Mauricio Macri đang đau đầu về khoản nợ nước ngoài của Argentina. (Nguồn: Telesur) |
Tuy nhiên, người dân Argentina có quyền lạc quan khi chính quyền của ông Macri đã thực hiện nhiều bước đi tích cực nhằm cải thiện tình hình. Nổi bật trong số đó là việc chi trả 9,3 tỷ USD cho gói nợ cứu trợ vào tháng 4/2016. Bên cạnh đó, Chính phủ Argentina cũng phát hành trái phiếu cho 30 tỷ USD tiền nợ, trong đó có khoản trái phiếu trị giá 2,75 tỷ USD, với thời hạn chi trả là 100 năm.