📞

Nỗi buồn du lịch

10:50 | 04/07/2010
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có thói quen đến thăm chùa Trấn Quốc vào những lúc rảnh rỗi nhưng giờ đây, ông không muốn đến nữa bởi thay vì chạm mặt với nền văn hiến 1000 năm Thăng Long là một đám vôi ve vàng khè và lạ lẫm trước cái cổng mới được xây dựng...
Du lịch Việt Nam cần một hình dung rõ ràng hơn về chặng đường sắp tới(Ảnh minh họa)

Nỗi niềm đó đã được ông chia sẻ tại Hội thảo quốc gia “Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh tích cực, chủ động hội nhập quốc tế” ngày 29/6 tại Hà Nội. Nguyên Trưởng Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch tâm sự rằng, khi nghĩ về du lịch ông lại thấy buồn. Các sản phẩm du lịch của ta - những thứ mà thiên nhiên đã phải mất hàng triệu năm kiến tạo đang xuống cấp nghiêm trọng. Hang Pác Bó đẹp là thế, bỗng một bãi bê tông hiện lên rộng mênh mông, tan nát hết cả cảnh quan phong thủy…

 

Đồng quan điểm với ông Vũ Khoan, ông Bùi Xuân Nhật, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn ra một loạt biểu hiện “làm hỏng” diện mạo du lịch. Quy hoạch Tam Đảo vụn vặt, Tuần Châu bị xi măng hoá, Văn Phong đã bị ảnh hưởng bởi nhà máy sửa chữa tàu. Một loạt bãi biển vô cùng thơ mộng từ Trà Cổ tới Đồ Sơn, Sầm Sơn, rồi Cửa Lò đang bị ô nhiễm, xâm phạm và làm hỏng dần, mất dần…

 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên nhân chính của tình trạng này là tư duy “tiểu nông”. Ngành du lịch mới chỉ quan tâm đầu tư vào hạ tầng dịch vụ, những cái thu được tiền ngay mà chưa quy hoạch được vào việc khai thác tiềm năng to lớn của những giá trị lịch sử. Chẳng hạn, nơi từng diễn ra trận Bạch Đằng giang trong lịch sử nhà Trần đã không được nghiên cứu đến nơi đến chốn để đưa vào phục vụ du lịch là một sự lãng phí lớn.

 

Việt Nam nức tiếng là nước duy nhất trên thế giới bắn hạ máy bay B52. Nhiều du khách đã không khỏi xót xa trước “núi xác máy bay B52” ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Không quân hay giữa hồ Hữu Tiệp, bởi những xác pháo đài bay  kia dù làm bằng những chất liệu bền vững nhất, mà cứ phơi sương phơi nắng mãi thì cũng có ngày... về cát bụi.

 

Ngay cả Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng nêu lên những yếu kém: “Dù có tới 3.000km bờ biển, nhưng Việt Nam vẫn chưa có được cảng biển chuyên dụng nào cho khách du lịch tàu biển. An toàn giao thông cũng chưa đảm bảo, giá điện, giá vé máy bay và cước phí viễn thông đối với hoạt động du lịch còn cao...

 

So sánh với cách làm du lịch của các nước, ông Nguyễn Lê Bách, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Kuwait, Syria, Palestine, Israel cho rằng quản lý du lịch nên thu về một mối. Chẳng hạn như Ai Cập có Hội đồng tối cao về phát triển du lịch do Thủ tướng chỉ đạo họp hai tháng một lần.

 

Cũng theo ông Bách, những người làm du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự đầu tư về sản phẩm du lịch. Đơn cử như ở Ai Cập, họ xây dựng một làng Pharaong diễn lại cảnh sinh hoạt của người Ai Cập xưa. Còn ở Việt Nam, du khách đến nhiều di tích như Cổ Loa, Đền Hùng chỉ được nghe lại lời kể của hướng dẫn viên rồi… tự tưởng tượng. Việc phục dựng sinh hoạt cổ xưa không hẳn là điều quá khó đối với chúng ta nhưng đến nay các dự án vẫn nằm trên giấy!

 

Từ chỗ không có tên trên bản đồ du lịch thế giới, chỉ trong vòng khoảng 20 năm, Việt Nam đã là một điểm đến ấn tượng và hấp dẫn bạn bè quốc tế. Nhưng có lẽ để “vẻ đẹp tiềm ẩn” trở nên sáng bừng, Việt Nam cần một hình dung rõ ràng hơn về chặng đường sắp tới. Tích cực hoàn thiện chất lượng dịch vụ, chủ động quảng bá, hội nhập, chính là yếu tố then chốt để đưa du lịch phát triển bền vững.

 

Hoàng Hạnh