📞

Nỗi buồn thành cổ

10:55 | 17/07/2008
Chuyện Đường Lâm, dẫu có lo lắng thì cũng là lo xa bởi nơi ấy với những người nông dân chất phác hiền hậu đến cố hữu ấy, với nếp sinh hoạt bình dị trọng tình ấy, thì dù gió Hà Nội mới có tràn về đây cũng phải rất lâu nữa mới làm thay đổi được không gian cổ kính của làng. Đáng lo hơn là những di tích biệt lập mà sức sống tự thân là thời gian tồn tại, là những chứng tích còn hiện hữu kia. Như Thành cổ Sơn Tây, vốn không còn nguyên vẹn, lại nằm trong lòng thành phố...

Đến thành cổ Sơn Tây vào đúng 14h chiều - cái giờ mà nắng gió Sơn Tây “mặn mà” nhất trong ngày - chỗ nắng thì nắng như thiêu đốt, chỗ mát thì mát như gió gội. Cái cầu bê tông cong một đường lông mày có những cây cột điện gù kiểu Pháp dẫn khách qua hào nước xưa để vào thành trông hao hao như cầu ở công viên Thủ Lệ. Bức tường thành đá ong kiên cố màu nâu óng ả mới hơn bất kỳ tường nhà nào ở Đường Lâm, mà mạch vữa trông lại kém thẩm mỹ, nhát vữa loang lổ chắp vá chứ không gọn ghẽ, chỉn chu.

Đền Và cổ kính

Giữa lòng Thành cổ hiện lên trơ trọi đài kỳ và điện Kính Thiên chói chang màu đá ong mới dưới miên man là nắng, dạt ra xa tứ phía những vòm cây sẫm rợp. Những gì thu được vào mắt trong vài phút đầu tiên khi đặt chân đến nơi này khiến tôi bị hẫng. Cảm giác như cái sự trùng tu di tích năm 2003 đã bê một công trình hiện đại đặt vào đây, lấp đi tất cả những mẩu đất đá cỏ cây còn lưu giữ bao nhiêu thiêng liêng, bao nhiêu chứng tích của gần 200 năm dâu bể, lấp đi tất cả những gì từng được người Pháp ca ngợi là kiệt tác của kiến trúc quân sự Việt Nam. May mà còn hàng xà cừ cổ thụ sần sùi nấm mốc minh chứng cho ngót 2 thế kỷ đã ngự trị nơi này. Và con rắn lục thình lình hiện ra trước mặt, uốn éo trườn ngang qua lối đi đổ bê tông luồn nhanh vào vạt cỏ dại um tùm kéo lại chút hứng thú suýt tiêu tan, tự nhủ cố đi hết một vòng thành 1.604m xem sao.

May mà còn lại cái cổng thành rêu phong cổ kính, chứ nếu cứ theo dự án ban đầu người ta định phục dựng 100% Thành cổ Sơn Tây thì tiếc quá. Mà cũng nhờ cái việc chỉ phục dựng một số hạng mục mà nhiều đoạn tường thành đổ nát thoát khỏi cái án “xóa sổ”. Những gốc đa, gốc đề, gốc si quấn chặt bao bọc lấy hai cái cổng thành còn nguyên vẹn “đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” phía Tây và Nam không bị đốt gốc, chặt bỏ để đắp bê tông, tạc phù điêu như số phận của cổng thành phía Bắc năm 1995. Nhưng chẳng biết sẽ còn trụ được bao lâu nữa khi những thân đa, thân si không ngừng bị khắc lên chi chít chữ nghĩa tỏ tình của thứ tình yêu không khắc vào tim được. Và mùi xú uế nồng nặc, kim tiêm la liệt lẫn trong đất, vỏ bao cao su hớ hênh...Chẳng thể tránh được nếu các cấp quản lý vẫn muốn quy hoạch nơi này thành một công viên sinh thái. Như lúc này, khi thành cổ vẫn đông người lại qua nhưng chủ yếu là người già đi bộ dưỡng sinh, kẻ nghiện ngập hay các đôi uyên ương tình tự – những người bị hút bởi bóng mát, cây cối rậm rạp và góc tường kín đáo, tuyệt nhiên không phải vì những lớp trầm tích đá ong ẩn giấu dưới lớp cỏ hoang, bức tường thành cổ xưa với những viên đá ong được xếp chồng lên nhau se khít, vững chãi mà không cần đến mạch vữa xi măng của công nghệ xây dựng hiện đại, hay vì những cây mít na sai trĩu quả, lạ kỳ chẳng bám chặt vào thân mà lủng lẳng đu đưa với cái cuống có khi dài cả mét. Thầm nghĩ, phải chăng vì thế mà giá vé tham quan Thành cổ Sơn Tây – dẫu có niên đại từ thời Minh Mạng - cũng chỉ có 500 đồng - quá rẻ so với vào Đường Lâm, ngắm những ngôi nhà sớm nhất từ thời Tự Đức đã mất 15.000 đồng.

Anh bạn người Sơn Tây đi cùng đoàn than thở: “Có lẽ không đâu như nước mình, mỗi quyết định trùng tu tôn tạo là một lần người dân lo lắng và mỗi lần trùng tu tôn tạo là một di tích bị phá bỏ”. Giống hệt tâm sự của cụ già ngồi tâm sự với tôi trên Đền Và giữa buổi chiều mênh mang gió đồi lim cổ thụ. Nhưng đấy là cụ đang lo xa, lo một ngày Đền Và thâm trầm rêu xanh phủ đầy sân sau, mái ngói mũi hài ràn rạt lá lim vàng rụng uy linh những nét tạc long ly quy phượng đã sứt sẹo thời gian vẫn ngời lên thần thái tài hoa của người thợ cổ sẽ bị gọt đi, dỡ đi để thay bằng những xà cột mới vụng về đẽo khắc, thô nhám. Còn bây giờ Đền Và vẫn cổ kính, linh thiêng.

Hai hàng cột đỡ cổng chùa đã mòn lõm chân trên chân tảng, nền sân chênh vênh gạch vỡ, đầu rồng mốc trắng, tượng thờ cũ kỹ. Thế mà vẫn thấy cái khí thiêng lan tỏa, vẫn thấy cái thần thái tráng lệ, lộng lẫy của ngôi đền nghìn năm và đã tu bổ trên 100 năm. Hay như chùa Mía ở thôn Đông Sàng (Đường Lâm) cũng vậy. Cái cổng xiêu vẹo sơ sài bên gốc đa trám bụi đường chưa một lần trùng tu trong thời gian 100 năm trở lại đây. Nhưng khí thiêng đã hiện lên ngay ở gốc đa khổng lồ trồi lên mặt đất. ở 287 pho tượng cổ chỉ làm bằng gỗ sơn son thếp vàng mà ngước lên diện kiến Phật lại khẽ giật mình ngỡ Phật đang nhìn thấu mình. Và ở vị sư thầy giản dị sống ở ngôi chùa tiếng thiêng vang đất Bắc mà vẫn đầu trần chân đất phơi thóc, phơi tương.

Tất cả những địa danh này sẽ thuộc về Thủ đô chỉ chưa đầy nửa tuần trăng nữa. Cơn lốc đô thị hóa, cơn lốc trùng tu tôn tạo liệu có về xâm chiếm những nơi còn nguyên sơ, nguyên vẹn nét xưa này? Liệu chùa Mía, Đền Và có “bị” đưa vào danh sách tu bổ di tích theo một kế hoạch phát triển du lịch nào đó trong tương lai?

Cứ nhìn Thành Cổ, nhìn những ngôi nhà đang trùng tu thí điểm ở Đường Lâm mà nỗi lo chẳng thể vơi đi.Theo ANTĐ