📞

Nơi chỉ có tình yêu dành cho tiếng Việt

AN BÌNH 09:00 | 17/08/2019
TGVN. Sáu năm qua, Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã đến với hàng trăm giáo viên/tình nguyện viên người Việt Nam ở nước ngoài. Mỗi khóa học đến, lại thấy ở đây những gương mặt mới, đầy phấn khởi dù họ còn rất trẻ hay mái đầu đã điểm bạc.
Cô giáo Phạm Thị Tuyết, 67 tuổi, về từ Thái Lan.

Học viên của Khóa đều là những giáo viên không chuyên, những tình nguyện viên chưa từng qua đào tạo sư phạm, thậm chí chỉ biết nói, đọc và viết thành thạo tiếng Việt. Tuy nhiên, bằng tình yêu tiếng Việt và mong muốn giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho con em mình ở nước sở tại, 80 học viên đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã về quê hương để được nâng cao trình độ chuyên môn của mình.

Những giáo viên “biết gì dạy nấy”

Cô giáo Phạm Thị Tuyết năm nay đã 67 tuổi, nhưng lần đầu tiên được về dự Khóa tập huấn, cô thấy “vui mừng lắm”. Cô kể 4 năm nay, cô vẫn tình nguyện dạy ở lớp học vỡ lòng mang tên Đồng Tâm tại trụ sở của Hội người Việt Nam ở Nong Khai (Thái Lan). Lớp học chỉ khoảng 20 học sinh, chủ yếu các em nói tiếng Thái. Bởi vậy, khó khăn càng lớn với cô giáo tuổi cao lại chưa từng qua lớp đào tạo sư phạm nào.

Cô Tuyết kể, khi còn chiến tranh, cô đã từng có hơn 10 năm dạy tại các lớp học sơ tán, giáo viên phải dạy trong bóng tối và phải cải trang. Khi được hỏi tại sao lại gắn bó với việc dạy học tình nguyện này đến tận ngày nay, cô trả lời giản dị rằng: “Tại vì rất thương các em, nếu tiếng Việt bị mất đi thì tiếc lắm nên phải cố gắng giúp các em. Những giáo viên như chúng tôi dạy theo tinh thần “biết gì dạy nấy”, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết gì... Trở về lần này, tôi mong có được những kiến thức chuyên môn tốt hơn để giúp đỡ học sinh. Tôi cũng mong có thêm nhiều sách vở và những cuốn từ điển để phục vụ tốt hơn cho việc dạy học của mình”.

Giống như cô Tuyết, cô giáo trẻ Lê Thị Thu Hiền trở về Việt Nam với rất nhiều cảm xúc vì phong trào dạy và học tiếng Việt đang phát triển mạnh mẽ ở Đài Loan (Trung Quốc). Cô cho biết hiện nay, Đài Loan đã đưa chương trình dạy tiếng Việt vào trường học và tích cực khuyến khích những chị em người Việt là tân di dân ở Đài Loan vào giảng dạy tiếng mẹ đẻ. Gần đây, phong trào dạy và học tiếng Việt của bà con kiều bào tại Đài Loan đang phát triển rất mạnh mẽ, thu hút cả trẻ em bản địa.

Cô giáo trẻ Lê Thị Thu Hiền tại Đài Loan (Trung Quốc).

“Tôi đã có ba năm dạy tiếng Việt ở các trường tiểu học, trung học và hiện tại còn tham gia chương trình dạy tiếng Việt trực tuyến. Tôi đến với công việc này vì được nói tiếng Việt và truyền tiếng mẹ đẻ cho con em mình, cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam cho người Đài Loan. Hiện tại, số giáo viên dạy tiếng Việt ở Đài Loan rất đông và nhiều người hy vọng có cơ hội tham dự lớp tập huấn”, cô Hiền chia sẻ.

Hơn hết vẫn là tình yêu

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài năm 2019 diễn ra từ ngày 11-25/8 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Ngoài tập huấn trên lớp về phương pháp dạy tiếng Việt trên cơ sở giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, chương trình sẽ có một số buổi học ngoại khóa, dự giờ học thực tế tại trường tiểu học, tham quan di tích lịch sử và văn hóa tại một số tỉnh.

Là người gắn bó với Khóa tập huấn suốt 6 năm, PGS. TS Nguyễn Thiện Nam - Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có rất nhiều tình cảm và những kỷ niệm với những thầy cô đang gieo mầm tiếng Việt nơi xa xứ. Tại một buổi tập huấn với các giáo viên, ông chia sẻ rằng dạy tiếng Việt vừa là một nghề vừa là một khoa học cũng là một nghệ thuật gắn bó sâu lặng với dân tộc. Đây chính là chiếc cầu nối đặc biệt với nước ngoài, bởi ở đâu có tiếng Việt ở đó còn người Việt.

Với tư cách là một giảng viên, thầy Nam hy vọng sẽ hỗ trợ cho thầy cô sự hiểu biết kiến thức nền cơ bản dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ, giúp họ tự tin hơn trong hành trình gieo chữ Việt khắp năm châu bốn bể, cũng như giúp họ họ nhận ra việc dạy không quá khó, nhưng không đơn giản vì phải cần một tri thức căn bản.

Khi được hỏi về những yêu cầu đối với giáo viên kiều bào, thầy Nam cho rằng, họ cần có phẩm chất của người giáo viên (đúng giờ, gương mẫu, nhiệt tình, bao dung, thương học trò, sự nghiêm túc, kiên nhẫn, khiếu hài hước..), kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học và cần có tri thức về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tiếng Việt.

Cô giáo Vũ Thị Hiếu tại Pháp thì bổ sung, ngoài ngôn ngữ và kiến thức, mỗi giáo viên phải có sự am hiểu văn hóa cũng như phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, có một yêu cầu mà các học viên đều nhấn mạnh là tình yêu với tiếng Việt. Bởi tình yêu này sẽ là động lực giúp họ vượt qua những khó khăn, trở ngại ở cuộc sống xa xứ để thực hiện sứ mệnh của mình.

Tin rằng sau Khóa tập huấn này, các giáo viên, tình nguyện viên sẽ là lực lượng nòng cốt thúc đẩy phong trào, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở sở tại, góp phần tích cực vào việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cũng như duy trì, phát huy bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với cộng đồng gần 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cũng như duy trì mối liên hệ gắn bó với quê hương đất nước, nhất là trong gia đình khi mà các thế hệ thứ ba, thứ tư hoàn toàn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Việc dạy và học tiếng Việt cũng như bảo tồn tiếng Việt, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, là nguyện vọng chính đáng và nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoàiLương Thanh Nghị