Xung đột giữa Israel và Hamas đã đẩy 85% dân số vùng Gaza phải sơ tán trong bối cảnh thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men trầm trọng. (Nguồn: AFP) |
Theo hãng tin Anadolu, phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, ông Scholz tái khẳng định sự ủng hộ của Berlin đối với an ninh của Israel, nêu rõ: “Israel có quyền bảo vệ đất nước của mình, và đây chính là điều mà Mỹ, Đức và nhiều nước khác khẳng định".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về những vấn đề quan trọng được nói ở trên. Vì vậy, trước tiên viện trợ nhân đạo phải đến được Gaza và phải nhiều hơn chúng ta thấy ngày hôm nay. Thứ hai, việc xử lý cuộc chiến phải phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Chính phủ Đức đã truyền đạt mối quan ngại của mình tới chính phủ Israel và nhắc nhở họ về trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo nhà lãnh đạo, Berlin bày tỏ rất rõ ràng rằng, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc không chỉ là việc phải làm vì ràng buộc của một số thỏa thuận toàn cầu, mà "xuất phát từ quan điểm về con người cũng như cách chúng tôi muốn và nhìn nhận bản thân mình”.
Theo Liên hợp quốc, xung đột ở Dải Gaza đã đẩy 85% dân số vùng lãnh thổ này phải sơ tán trong bối cảnh thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men trầm trọng, trong khi 60% cơ sở hạ tầng bị hư hại hoặc phá hủy.
Trong diễn biến liên quan tình hình xung đột, theo báo Yedioth Ahronoth của Israel ngày 17/2, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có cuộc gặp “bí mật” với Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani tại Đức trong khuôn khổ Hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024.
Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về vấn đề thả con tin Israel đang bị Hamas giam giữ.
Trong khi đó, theo Kênh 12 của Israel, thủ lĩnh Hamas ở Gaza Yahya al-Sinwar đang kiên quyết, yêu cầu thả tất cả tù nhân trong các nhà tù của Israel đã bị bắt cho nay. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từ chối yêu cầu này.