Trong cuộc sống, mỗi người đều mang trên mình một sứ mệnh riêng. Những mảnh đời đang sống tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An và Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội cũng vậy, dù cho họ không may mắn có được một cơ thể phát triển bình thường. Khi đến thăm ngôi nhà chung của người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, người tâm thần tại đây, lòng tôi như lắng lại khi nghe kể những câu chuyện về họ. Nhưng tôi cũng thật vui vì khi sống tại đây, họ luôn được đón nhận sự yêu thương, giúp đỡ và sẻ chia.
Vượt lên số phận
Tới Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, tôi bắt gặp hình ảnh các em mắc chứng tự kỷ đang học tập rất say sưa. Dãy nhà dành riêng cho trẻ tự kỷ tại đây được quy hoạch theo nề nếp, đầy đủ các lớp học theo khả năng của từng bé.
Lớp học làm tranh đá và sản phẩm tranh đá của trẻ khuyết tật tại Trung tâm. (ảnh Linh An) |
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Trần Văn Lý cho biết, Trung tâm áp dụng mô hình phục hồi chức năng toàn diện cả về thể chất và tinh thần, có sự kết hợp chặt chẽ giữa phục hồi chức năng về y học và giáo dục hướng nghiệp. 40 năm qua, người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và trẻ tự kỷ khi đến với mô hình này đều được tham gia đầy đủ các hoạt động, dịch vụ cung cấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu của bản thân. Từ đó, họ có thể khắc phục được những khiếm khuyết của cơ thể, của tật bệnh, rèn luyện thể lực, ý chí và khơi dậy tiềm năng của mỗi người.
Tìm hiểu về lớp học làm tranh đá cho trẻ khuyết tật, tôi thấy trên gương mặt ngây thơ của các bé hiện rõ nét vui tươi khi có “khách đến chơi”. Nhìn những họa tiết tỉ mẩn trên bức tranh đá mà các em hoàn thành, không ai nghĩ, tác giả lại là những người khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn triển khai nhiều lớp học hướng nghiệp khác để phù hợp với khả năng của từng em như: lớp học may, lớp làm tranh khắc gỗ, lớp thêu tranh, lớp làm hoa đá… Sau khi học thành thạo, các em có thể trở về gia đình, tự chăm sóc bản thân.
Giám đốc Trần Văn Lý vẫn khắc khoải về câu chuyện của một cậu bé tên Tuấn mắc chứng bại não ở Phúc Thọ, Hà Nội. Ông kể, sinh ra trong gia đình có ba chị gái, Tuấn là con trai út nhưng lại bị khuyết tật. Bố Tuấn thường xuyên uống rượu và bạo hành vợ con. Đến Trung tâm, sau một thời gian điều trị phục hồi chức năng, Tuấn đã có thể đọc chữ, viết chữ bằng chân do hai tay bị liệt cứng. Tuấn cũng được hướng nghiệp thêm về công nghệ thông tin và trở về nhà, sống hòa nhập cùng cộng đồng.
“Những kết thúc có hậu của người khuyết tật như Tuấn là phần thưởng dành cho cá nhân tôi và những người thầy, người cô tại Trung tâm. Mỗi ngày, được nhìn thấy các em có chuyển biến tích cực, nhìn những thành phẩm lao động của các em là niềm hạnh phúc lớn lao của chúng tôi”, ông Lý tâm sự.
Ở Trung tâm này, còn có những người như Motoki Kurumai - tình nguyện viên đến từ Nhật Bản. Trải lòng về khoảng thời gian hai năm công tác tại đây, Motoki Kurumai nói rằng điều đầu tiên khiến anh thấy chạnh lòng là những trang thiết bị, đồ chơi của trẻ em ở đây còn quá ít và sơ sài. Bởi vậy, chính anh đã tự tay làm cầu trượt bằng gỗ hay những món đồ chơi để dành tặng cho những bạn nhỏ.
Có thể thấy, sự thương yêu, đùm bọc của những cán bộ, tình nguyện tại Trung tâm giống như những người thân giúp họ quên đi thiệt thòi của mình. Từ mái ấm Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, những mảnh đời bất hạnh ấy lại được tiếp thêm sức mạnh để họ vượt lên số phận, vững tin vào cuộc sống và tiếp tục khao khát được thực hiện sứ mệnh của mình là trở thành một người công dân có ích cho xã hội.
Hoạt động khám và cấp thuốc miễn phí tại Thụy An của Đoàn Thanh niên liên Vụ Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Viết tiếp những ước mơ
Cũng là ngôi nhà đặc biệt của những số phận không may mắn khác, Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội ở Thụy An hiện là nơi nuôi dưỡng và điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần mãn tính.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quang Thịnh - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Đặc điểm của bệnh tâm thần mãn tính là không chữa khỏi, thường xuyên có cơn kích động tái phát, bệnh nhân phải uống thuốc chuyên khoa tâm thần duy trì hàng ngày đến hết đời. Trong quá trình chữa trị phục hồi, họ thường xuyên từ chối uống thuốc, la hét đập phá, trốn chạy, không tự chủ trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, không kiểm soát được hành vi, tự hủy hoại bản thân, gia đình, người xung quanh và xã hội. Việc điều trị và chăm sóc họ gặp rất nhiều khó khăn”.
Trực tiếp đến thăm khu bệnh nhân tâm thần mãn tính kích động, tôi thấy vang vọng tiếng hát của một tốp ca nam: Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi. Dịu dàng trong tiếng ru hời. Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi. Trầm sâu trong tiếng đất trời... Khoảnh khắc nhìn thấy các bệnh nhân ngồi ghế xếp hàng ngay ngắn, cùng thể hiện một ca khúc về đất nước khiến tôi có cảm giác yên bình đến lạ. Giây phút ấy tôi quên rằng, những người đang say mê hát trước mặt tôi lại mang trong mình một căn bệnh chỉ có thể nhờ thuốc để duy trì đến cuối đời.
Những người hộ lý tại Trung tâm này cũng chia sẻ, khi phát bệnh, các biểu hiện của người bệnh lại rất đa dạng và phức tạp. Mỗi người đều có những dấu hiệu khác nhau, có người mắng chửi vô cớ, tấn công lại người chăm sóc, có người lại lo sợ người khác hại mình, lầm lì không hoạt động hay từ chối ăn uống… Nhưng khi những cơn bệnh thuyên giảm, dường như họ lại trở thành một con người khác, lại vui vẻ và chăm chỉ làm việc.
Thực sự bên trong khung cửa sắt màu xanh được thiết kế chắc chắn để tránh tình trạng “vượt ngục” của bệnh nhân là những câu chuyện dài. Mỗi người vào đây, đều có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng trong họ, ai cũng có những ước mơ. Có bệnh nhân luôn nói rằng, muốn nhanh khỏi bệnh để được trở về nhà, lập gia đình và bắt đầu cuộc sống. Có bệnh nhân lại ước được tiếp tục học hành và làm việc. Cũng có người lại ấp ủ dự định được đoàn tụ cùng gia đình…
Thiết nghĩ, đối với người bệnh, những khao khát tưởng như đơn giản nhưng lại khó khăn và xa vời đến thế. Chỉ mong họ sẽ vững tin vào cuộc sống, luôn hy vọng vào ngày mai tươi sáng để có thể viết tiếp những ước mơ ấy.
Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An được thành lập năm 1976, tại xã Thụy An, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Trung tâm có chức năng khám bệnh, điều trị, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, người có công với cách mạng, trẻ tự kỷ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội là đơn vị có chức năng tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, điều trị và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần theo quy định của pháp luật. Ở Thụy An, còn có Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Bộ Ngoại giao. Những năm qua, nhiều đơn vị trong Bộ thường xuyên có những hoạt động thăm hỏi, trao quà từ thiện, khám và cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em và người già có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm nay, Cục Quản trị Tài vụ (Bộ Ngoại giao) đã trao quà từ thiện tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật với chủ đề “Mùa Xuân yêu thương” mong muốn khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và lan tỏa sự ấm áp đến những hoàn cảnh khó khăn. Tháng 5 vừa qua, Đoàn Thanh niên liên Vụ (Vụ Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, Vụ Châu Âu, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn) cũng đã phối hợp cùng Đoàn Thanh niên trường Đại học Y Hà Nội và Kho thuốc nhân dân tổ chức chương trình “Khám bệnh, cấp thuốc và tặng kính lão, cận” tại đây. |