📞

Nỗi lòng của "thần đèn" Trung Thu

16:04 | 10/09/2008
"Đồ chơi của Trung Quốc tràn lan, bọn trẻ dần không còn hứng thú và chơi những chiếc đèn ông sao xanh đỏ, đèn cù hay đèn kéo quân. Đã vậy, hồi năm 2006, tôi quyết tâm làm một cái đèn thật cao, to để mọi người chú ý và nhớ tới truyền thống đang dần bị mai một".

Hai năm trước, trong chương trình Những chuyện lạ Việt Nam, chiếc đèn kéo quân cao 7m của một người đàn ông nhỏ bé người làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai được ghi tên trong sách Kỷ lục Việt Nam. Ông là Vũ Văn Sinh, hậu duệ của một gia đình có truyền thống lâu đời làm đèn lồng và có lẽ cũng là nghệ nhân cuối cùng vẫn đang cố lưu giữ nét bản sắc văn hóa dân tộc mỗi độ rằm tháng 8.

Về Đàn Viên (Hà Nội 2), làng nghề nổi tiếng làm đèn lồng một thời, những ngày cận kề Trung thu không còn thấy không khí nô nức chuẩn bị làm đèn của người dân nơi đây, đường làng vắng hoe.

Lần theo chỉ dẫn, phóng viên Ngoisao tìm đến nhà nghệ nhân Sinh, người được dân làng phong là "thần đèn". Ông chủ của những chiếc lồng đèn cởi trần, tay lúc nào cũng "cầm chắc" chiếc điếu cày tiếp chuyện chân chất, mộc mạc và dễ gần. Chốc chốc ông lại ngửa cổ rít cái "roẹt" hơi thuốc lào rồi nhả khói đầy nhà. Nói đến nghề làm đèn gia truyền, người nghệ nhân thật thà: "Đồ chơi Trung thu truyền thống đang mất đi bản sắc mà đồ chơi ngoại nhập lại nhiều và hiện đại, ít người bây giờ làm đèn và sống được với nghề. Năm 2006, tôi quyết định làm chiếc đèn kéo quân khổng lồ cao 7m, đường kính 3,2m".

Học nghề từ khi còn để chỏm, lớn lên rồi lập gia đình, ông Sinh vẫn trung thành kiếm sống với đèn. Trong dòng miên man một thời "oanh liệt" của đèn ông sao và các loại đèn đồ chơi đêm rước chị Hằng Nga, "thần đèn" nhớ lại: "Bà nội tôi kể, ngày xưa, các ông làm đèn cho các bà gồng gánh, tòng teng đi bộ ra chợ mãi tận Hà Đông và Hà Nội bán. Bán hết thì mừng lắm, cười từ ngõ cười vào, còn ế ẩm thì cho bằng hết những đứa trẻ nhà nghèo không có tiền mua đèn chơi".

Nghệ nhân Sinh trang trí chiếc đèn kéo quân "làm chơi" cho đỡ nhớ nghề

Ngày nhỏ, không chịu học cách làm, nghệ nhân thường xuyên bị anh trai "đánh cho tơi bời". Không thể đếm chính xác nghề này đã trải qua mấy đời cha truyền con nối, ông Sinh chỉ biết từ thời cụ thân sinh và các cụ cố đời trước đã làm đèn kéo quân. "Độ vài chục năm trở lại đây, người làng làm đồ chơi Trung thu nhiều lắm nhưng sau đó họ chuyển hết sang làm pháo và cuối cùng là... đi làm may thuê ở các khu công nghiệp. Chẳng ai còn thiết tha với mấy chiếc đèn bé tẹo bán ra chưa đủ tiền đong gạo", ông Sinh tâm sự.

Theo nghệ nhân, lý do khiến đồ chơi trong đêm hội trăng rằm truyền thống không còn hấp dẫn là do hàng ngoại nhập tràn vào, màu sắc và mẫu mã độc đáo. Chiếc đèn kéo quân của ngày xưa hoạt động được nhờ đốt những chuỗi hạt bưởi hoặc hạt lạc phơi khô. Còn giờ, người ta dùng mỡ lợn hoặc nến, một số đồ chơi khác dùng điện năng vì vậy mà "trẻ con nó thích hơn". "Không còn người làm, nên thế hệ mới đâu có biết đến những loại đèn xa xưa. Truyền thống mai một, văn hóa cũng theo đó mà mất đi".

Thấy khách ngỏ ý muốn học làm đèn lồng, ông Sinh nhiệt tình lấy kéo ra thực hành. Để hoàn chỉnh một chiếc đèn kéo quân chỉ mất nửa ngày nhưng công đoạn chuẩn bị mới phức tạp và mất thời gian, tính ra cũng ngót nghét hàng chục. Đèn kéo quân vừa dễ lại vừa khó bởi nó hoạt động theo nguyên lý đối lưu. Chong chóng là bộ phận quan trọng nhất, nếu xếp không đúng chiều thì cánh quạt không quay và quân đèn không chuyển động. Mỗi chiếc đèn đều có một bí quyết và bí quyết ấy nằm ở cánh quạt.

"Ngày trước không có chiếu bóng thì đèn kéo quân như một "rạp chiếu phim" di động. Những quân đèn với rất nhiều hình thù, thường được thiết kế theo các tích truyện dân gian như chú Cuội chị Hằng được ánh lửa phát ra từ hạt bưởi bị đốt soi rõ. Chúng chuyển động theo cánh quạt quay tạo ra nhiều hình ảnh sinh động. Chính điều đó làm nên nét hấp dẫn của loại đèn này", nghệ nhân tâm sự.

Khung đèn lồng được làm từ những vật liệu góp nhặt

Đã hơn chục năm nay, tuy không còn gắn bó với nghề nhưng ông vẫn đau đáu muốn truyền lại cách làm cho thế hệ sau. Hiện, ông phục vụ các màn bắn pháo bông trong các sự kiện lớn vì ngoài làm đèn, gia đình ông cũng nổi tiếng với nghề làm pháo hoa. Dịp thi bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng vừa rồi, ông Sinh cũng góp mặt.

Ông đi suốt, chẳng mấy khi ở nhà nhưng rằm Trung thu năm nào ông "thần đèn" cũng gom tre nứa, giấy màu nhặt nhạnh từ những lần đi làm xa về để làm đèn kéo quân, đèn ông sao tặng con cháu. Năm nào cũng vài chục đến 100 chiếc đèn được làm ra và cho không. Dù giờ đã là giám đốc một công ty tổ chức sự kiện bắn pháo hoa, nghệ nhân Sinh vẫn "nông dân" như trước. Ở đâu trên khắp đất nước có màn trình diễn pháo bông, ở đó có "thần đèn".Theo Ngôi Sao