📞

Nơi nào an toàn cho ông Gaddafi?

14:38 | 27/05/2011
"Chúng tôi có những điểm an toàn cho những người tìm kiếm tị nạn", một phát ngôn viên của Tổng thống Uganda Yoweri Museveni nói. Nếu Tổng thống Muammar Gaddafi muốn tìm một nơi yên tĩnh hơn, ông có thể được chào đón ở đây. Các nước phương Tây có thể hoan nghênh đề xuất này khi đang mong mỏi nhanh chóng kết thúc cuộc chiến tại Libya.

Có lẽ ông Gaddafi cũng muốn thu xếp một nơi để sống lưu vong. Tuy nhiên, danh sách những điểm trú ẩn an toàn cho những nhà lãnh đạo thất sủng thời gian gần đây đã co hẹp lại. Sự thừa thãi các điều luật và điều ước quốc tế cộng với sự nổi lên của Tòa án Hình sự quốc tế đã khiến những điểm đến an toàn ngày càng khan hiếm.

Trong quá khứ, các nước như Pháp và Bỉ cho rằng đề xuất lối thoát cho nhà độc tài sẽ giúp ngăn chặn đổ máu và tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực. Ngày nay, hầu hết các nước mà các nhà độc tài cho là có thể trú ẩn được lại bị bó buộc bởi các hiệp ước dẫn độ và các hiệp ước nhân quyền, do đó, họ đứng trước nguy cơ bị trục xuất trở lại quê hương hoặc bị đưa ra tòa án La Haye. Chính cựu Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập đã đến Sharm el-Sheikh sau khi bị lật đổ nhưng kết cục là hiện đang bị cảnh sát giữ trong bệnh viện và có thể đối mặt với các cáo buộc tội phạm.

Thêm vào đó, nhà cầm quyền Libya có những khó khăn riêng. Cả hai cựu lãnh đạo Idi Amin - nhà cầm quyền Uganda, và Zine el-Abidine Ben Ali của Tunisia, đều đã đến Saudi Arabia. Vương quốc này từ lâu tự cảm thấy có nghĩa vụ giúp đỡ các nhà cầm quyền Hồi giáo gặp khó khăn mà không quan tâm họ phạm tội gì. Dầu ông Amin chưa bao giờ nhận quy chế tị nạn chính thức, ông được phép hưởng đặc quyền kéo dài, bao gồm 23 năm sống tại các khách sạn và khu biệt thự ở Jeddah. Còn đối với Đại tá Qaddafi, cáo buộc cho rằng ông đã từng âm mưu ám sát Thái tử (hiện là quốc vương Abdullah) có nghĩa ông sẽ không nhận được đề nghị giúp đỡ từ gia đình hoàng gia này. Những đối tượng đình đám như Hugo Chavez (Tổng hống Venezuela) và Daniel Ortega (Tổng thống Nicaragua) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Gaddafi nhưng sự bất bình trong nước đã ngăn cản hai người này đưa lời mời dứt khoát với ông Gaddafi.

Bruce Bueno de Mesquita, một giáo sư chính trị ở ĐH New York, cho rằng các tổ chức như ICC và Ủy ban Nhân quyền châu Âu, cùng với những chính phủ hậu thuẫn họ, cần phải xem lại lập trường. Nếu các nhà độc tài không sát hại công dân của họ, luật pháp quốc tế nên tạo cho họ lối thoát. Ông này cho rằng Tổng thống Syria Assad có thể đã sẵn sàng rời khỏi Syria nếu có điều gì đó hấp dẫn hơn là một tòa án tại La Haye.

Còn Ricccardo Orizio, một người đã phỏng vấn nhiều chính trị lưu vong, lại cho rằng họ nên hướng vào những vùng lãnh thổ ly khai chưa được công nhận, như nước cộng hòa tự xưng Transdniestria (một phần của Moldova). Những nơi này có hầu hết các yếu tố của một quốc gia mà lại không bị hạn chế bởi các nghĩa vụ quốc tế.

Phương Nguyên (gt)