📞

Nỗi niềm dân tị nạn 'bỉm sữa' Ukraine ở Ba Lan

Thúy Vy 07:07 | 19/04/2022
Xung đột Nga-Ukraine đột ngột xảy đến đã tước đi cuộc sống bình yên của hàng trăm ngàn phụ nữ, khiến họ phải tạm xa gia đình, đến nơi đất khách quê người sinh sống.
Một gia đình tị nạn người Ukraine ở Zabki, Ba Lan. (Nguồn: NY Times)

Do lệnh nhập ngũ, Ukraine cấm nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 rời khỏi đất nước. Vì vậy, hơn 2 triệu người, bao gồm phụ nữ, trẻ em và số ít đàn ông trên 60 tuổi, đã vượt biên đến Ba Lan.

Hiện thực tàn khốc khiến những người phụ nữ Ukraine, đặc biệt là các bà mẹ, buộc phải bỏ lại gia đình để di cư lánh nạn.

Hiện Ba Lan đang phải đối mặt với những hạn chế lâu dài trong việc hỗ trợ việc làm cho các bà mẹ Ukraine, trở thành vấn đề cấp bách về mặt địa chính trị của nước này.

Nỗi lo của người mẹ

Giá nhà đất thấp và giao thông thuận tiện đến thủ đô Warsaw của Ba Lan đã khiến vùng ngoại ô Zabki trở thành điểm đến phổ biến của các gia đình trẻ Ukraine. Và thị trấn này trở thành một trong những nơi có tỷ lệ sinh cao nhất tại Ba Lan.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần gần đây, dân số tại Zabki đã tăng nhanh ngoài dự đoán. Thị trưởng Malgorzata Zysk cho biết, những người tị nạn đầu tiên đã đến đây chỉ vài ngày sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo thống kê chính thức, hiện có hơn 1.500 người tị nạn Ukraine đang sống tại thị trấn, cùng với khoảng 100 người chờ đăng ký mỗi ngày. Tuy nhiên, ông Zysk ước tính con số thực còn cao gấp đôi.

Trong căn hộ nhỏ được chính quyền Zabki cho mượn, bà Lyubomira Pancuk ngắm nhìn lại những bức ảnh chụp gia đình tụ tập vào lễ Giáng sinh theo Chính thống giáo hồi tháng Giêng tại nhà riêng ở Ivano-Frankivsk, Ukraine.

Đó là hình ảnh bà khi đang mang thai, cùng với chồng và ba cô con gái tươi cười rạng rỡ trước ống kính. “Chúng tôi đã rất hạnh phúc bên nhau và cùng chờ đợi đứa bé ra đời”, bà hồi tưởng.

Chưa đầy hai tháng sau, chiến sự buộc bà phải chia tay chồng mình để trốn sang Ba Lan cùng các con, mang theo cả đứa trẻ sơ sinh ba tuần tuổi, bị sinh non và mắc bệnh vàng da.

Tuy vậy, khi đặt chân đến Zabki, bà vô cùng xúc động và cảm kích trước sự hào phóng của chính quyền và cư dân nơi đây.

Không thể đi làm vì phải lo chăm sóc cho đứa bé mới chào đời, bà và các con đành sống trong cảnh bấp bênh, phụ thuộc vào khoản trợ cấp ít ỏi từ chính phủ Ba Lan và lòng hảo tâm từ những người hàng xóm nơi đây.

Đây là câu chuyện có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ người phụ nữ Ukraine nào di cư sang Ba Lan. Thực chất, họ chỉ đơn giản cần một nơi an toàn, xa bom đạn và chiến trận để sống cùng con cái.

Thế nhưng, cái giá phải trả cho sự ổn định và an toàn ấy là không hề nhỏ, thậm chí tốn kém hơn nhiều so với khoản trợ cấp họ nhận được từ chính phủ Ba Lan.

Tuy họ có nơi ăn chốn nghỉ tạm thời nhờ lòng tốt của hàng nghìn công dân Ba Lan, song không có gì là miễn phí mãi mãi. Cho đến thời điểm giá thuê nhà trên toàn quốc tăng vọt nhằm đáp ứng nhu cầu đột ngột, họ sẽ buộc phải tìm kiếm việc làm.

Như vậy, các bà mẹ Ukraine đang phải đối mặt với một vấn đề “đau đầu” hơn nhiều so với các bà mẹ có công ăn việc làm khác trên thế giới, là làm sao để tìm được người giữ trẻ đáng tin cậy và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ với giá cả phải chăng.

Môi trường đầy thách thức

Ida Magda, nhà kinh tế học tại Trường Kinh tế SGH Warsaw, cho biết các chính sách thân thiện với gia đình, tỉ như linh hoạt giờ làm việc, là tương đối hiếm ở các cơ sở việc làm tại Ba Lan.

Chăm lo cho trẻ dưới 3 tuổi thường vô cùng tốn kém. Bởi vậy, nhiều phụ nữ đã lựa chọn ở nhà cho đến khi con cái đủ tuổi học mẫu giáo.

Tuy gần đây, chính phủ đã mở rộng các trường mầm non do nhà nước tài trợ dành cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi, song không gian vốn đã không đủ cho toàn bộ trẻ em trên cả nước đến trường ngay từ trước khi chiến tranh bắt đầu.

Giờ đây, chính phủ Ba Lan đang loay hoay tìm cách đáp ứng nhu cầu của các bà mẹ Ukraine, những người đã mất tất cả trong chiến sự và không thể sẻ chia gánh nặng cùng những người chồng, người cha.

Theo đó, Bộ Giáo dục Ba Lan đã ra chỉ thị mới nhất, yêu cầu các trường mầm non bố trí thêm suất cho trẻ em Ukraine. Nhờ vậy, trẻ từ 3 – 6 tuổi đã có thể đến trường.

Thế nhưng, các bà mẹ có con mới biết đi, biết bò hay mới chào đời lại không có nhiều lựa chọn như vậy.

Ở Zabki, không có trung tâm chăm sóc nào do nhà nước quản lý dành cho trẻ dưới 3 tuổi. Tuy một số trung tâm tư nhân có đưa ra mức giảm giá tạm thời hoặc miễn phí cho trẻ em đến từ Ukraine, nhưng không nhiều và đây không được xem là giải pháp lâu dài.

Đối với những bà mẹ như Pancuk, khó khăn chồng chất. Có lẽ chỉ khi cậu út lớn hơn một chút, bà mới có thể yên tâm giao cho con gái lớn trông nom để có thời gian làm thêm.

Bà chia sẻ: “Tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào cho tương lai. Hiện tôi chỉ đang ráng sống cho qua ngày đoạn tháng".

Bà Lyubomira Pancuk (giữa) cùng với con gái và con út mới sinh. (Nguồn: NY Times)

Hệ thống bất cập

Bà Grazyna Swiezak, quản lý trường mầm non Zielony Dinek giữa lòng thị trấn Zabki cho biết, bà và các nhân viên rất vui vì có cơ hội được giúp đỡ những đứa trẻ người Ukraine.

Theo nhà trường, một số trẻ tị nạn sẽ cần được hỗ trợ tinh thần. Do vậy, bà Swiezak dự tính thuê các nhà trị liệu tâm lý thạo tiếng Ukraine hoặc tiếng Nga để giúp đỡ các em.

Tuy nhiên, thiện chí cũng cần phải tuân thủ những nguyên tắc về mặt thể chế. Quy mô lớp học mẫu giáo vốn bị giới hạn nhằm đảm bảo sự trông nom đầy đủ đối với trẻ. Việc mở rộng quy mô ấy có thể gây nguy hiểm cho việc học tập, thậm chí là sự an toàn của chúng.

Theo bà Swiezak, hơn một nửa số không gian mới tại Zielony Dinek đã được sử dụng cho trẻ em Ukaine. Hiện trường học không còn nhiều chỗ trống, do mỗi ngày đều có các gia đình mới đến thị trấn.

Thế nhưng, mặt trái của vấn đề là chính quyền lại chưa đủ khả năng thực hiện những nỗ lực tương tự để đáp ứng nhu cầu của phụ nữ Ba Lan, làm dấy lên nguy cơ dẫn đến phản ứng chính trị.

Nhiều gia đình Ba Lan đã không thể xin cho con cái vào học tại Zielony Dinek. Tuy vẫn còn nhiều trường học khác tại Ba Lan, song Zielony có lẽ vẫn là cái tên được nhiều bậc phụ huynh tin tưởng gửi gắm nhất.

Một số người sẽ thấu hiểu và cảm thông cho nỗi thống khổ của những người phụ nữ Ukraine, với mong muốn giúp họ có được nơi sinh sống an toàn trên lãnh thổ Ba Lan.

Trong khi đó, nhiều người lại không nghĩ như vậy.

Chính phủ và nhiều người dân tại Ba Lan hiện đang cố gắng hết sức mình để tránh gây ra xung đột nội tại, trong khi tạo môi trường tốt nhất cho dân tị nạn Ukraine.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, có khoảng hơn 4,5 triệu người Ukraine đã rời khỏi đất nước đi lánh nạn. Ba Lan là nước tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất với hơn 2 triệu người. Ngoài ra các nước láng giềng khác như Hungary, Moldova, Slovakia, Romania… cũng tiếp nhận từ hàng chục nghìn tới hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine.
(theo New York Times)