Thực tế có đúng là như vậy? Một bài báo mới đây của tác giả Robert Samuelson đăng trên tạp chí Newsweek của Mỹ đã lên tiếng “minh oan” cho các công ty đa quốc gia của nước này, đồng thời chỉ ra những điểm mà ông cho là chưa hợp lý trong nhận định của ông Obama. Nước Mỹ là một đất nước của những công ty đa quốc gia. Hầu hết những thương hiệu lớn của quốc gia này là Coca-Cola, IBM, Microsoft hay Carterpillar... đều là các công ty đa quốc gia. Mặt khác, Mỹ cũng là địa bàn hoạt động của các công ty đa quốc gia đến từ các nền kinh tế khác. Năm 2006, các công ty nước ngoài sử dụng 5,3 triệu lao động tại Mỹ. Việc hãng xe Fiat của Italy đạt thỏa thuận thâu tóm hãng ôtô lớn thứ ba của Mỹ Chrysler càng chứng minh mức độ xuyên biên giới của hoạt động kinh doanh trong thế giới ngày nay. Đối với nhiều người, công ty đa quốc gia là một khái niệm gây phiền toái. Vấn đề ở đây là sự trung thành. Người ta thường nghĩ “công ty của nước mình” phải phục vụ những lợi ích lớn của đất nước, thay vì tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ nhất, những quy định lỏng lẻo nhất và những mức thuế suất thấp nhất trên thế giới. Trong đó, thuế là câu chuyện “nóng” hơn cả. Vấn đề đặt ra là, các công ty đa quốc gia của Mỹ nên bị đánh thuế vào phần lợi nhuận mà họ kiếm được ở bên ngoài biên giới nước mẹ như thế nào mới phù hợp? Theo như nhận định của Tổng thống Obama, hệ thống thuế của Mỹ hiện nay đầy những lỗ hổng. Theo ông Obama, những lỗ hổng này là “tác phẩm” của “các nhà vận động hành lang cấu kết chặt chẽ”, cho phép các công ty đa quốc gia của Mỹ né thuế ở Mỹ, trong khi tạo việc làm cho các quốc gia có mức thuế suất thấp. Với cách nhìn như vậy, ông Obama đề xuất “san lấp” những lỗ hổng này, để đưa việc làm trở lại cho người dân Mỹ, và tăng tiền thuế thu về thêm 210 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Tuyên bố trên của ông Obama đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của dư luận. Nhưng trên thực tế, vấn đề không hẳn là như vậy. Vấn đề thứ nhất, ông Obama cho rằng, với sự hỗ trợ của các nhà vận động hành lang, các công ty đa quốc gia của Mỹ hưởng mức thuế dễ chịu đánh vào phần lợi nhuận mà họ chuyển từ nước ngoài về nước, và do đó, những công ty này hưởng lợi nhiều hơn các công ty đa quốc gia của các nước khác. Thực tế hoàn toàn khác. Phần lớn các quốc gia không đánh thuế vào phần lợi nhuận thu được từ thị trường nước ngoài mà các công ty đa quốc gia của họ thu được. Lấy một công ty đa quốc gia của Thụy Sỹ hoạt động tại Hàn Quốc làm ví dụ. Công ty này trả 27,5% thuế lợi nhuận doanh nghiệp tại Hàn Quốc và đưa về nước số lợi nhuận còn lại mà không phải trả thêm đồng thuế nào tại Thụy Sỹ. Ngược lại, một công ty Mỹ tại Hàn Quốc cũng phải nộp thuế tại Hàn Quốc, nhưng nếu mang số lợi nhuận còn lại về nước, họ sẽ đối mặt mức thuế doanh nghiệp 35% tại Mỹ. Các công ty Mỹ có thể trì hoãn việc nộp thuế bằng cách giữ lợi nhuận ở nước ngoài, và trên thực tế đã rất nhiều doanh nghiệp đã làm vậy. Tới khi chuyển số lợi nhuận này về nước, các công ty này nhận tín dụng cho phần thuế đã nộp ở nước ngoài. Trong trường hợp này, họ chỉ phải phải trả phần thuế chênh lệch giữa thuế suất ở Hàn Quốc (27,5%) và thuế suất ở Mỹ (35%). Vấn đề thứ hai, ông Obama cho rằng, khi đầu tư ở nước ngoài, các công ty đa quốc gia của Mỹ khiến thị trường việc làm trong nước thiệt hại. Thực tế không hẳn là như vậy. Đúng là là đã có nhiều công ty Mỹ đã đóng cửa nhà máy tại Mỹ và mở nhà máy ở nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn các vụ đầu tư của các công ty đa quốc gia Mỹ ở nước ngoài là nhằm phục vụ thị trường địa phương ở đó. Theo nhà kinh tế Fritz Foley thuộc Đại học Harvard, chỉ có khoảng 10% sản lượng ở nước ngoài của các công ty này được xuất khẩu trở lại Mỹ. Khi hãng bán lẻ Wal-Mart mở một cửa hiệu ở Trung Quốc, điều này không đồng nghĩa với việc họ đóng cửa một siêu thị ở Mỹ. Thay vào đó, doanh số tăng thêm ở thị trường nước ngoài sẽ tạo thêm việc làm ở Mỹ ở các bộ phận quản lý, nghiên cứu và phát triển, cũng như tăng xuất khẩu linh kiện hàng từ Mỹ. Khoảng 90% hoạt động nghiên cứu và phát triển của các công ty đa quốc gia Mỹ diễn ra trên đất Mỹ. Một nghiên cứu của các nhà kinh tế học Foley và Mihir Desai thuộc Đại học Harvard, cùng nhà kinh tế học James Hines thuộc Đại học Michigan ước tính, mỗi khi số lao động của công ty đa quốc gia Mỹ ở nước ngoài tăng thêm 10%, số việc làm ở Mỹ tại các công ty này sẽ tăng thêm 4%. Vấn đề thứ ba, ông Obama cho rằng, việc “san lấp” những lỗ hổng về thuế doanh nghiệp ở nước ngoài, buộc các công ty đa quốc gia phải nộp đúng phần thuế mà họ phải nộp, qua đó sẽ nhanh chóng cải thiện tình trạng ngân sách liên bang Mỹ hiện nay. Thực tế, đây có thể là một “giấc mơ”. Số tiền thuế thu về tăng thêm 210 tỷ USD trong 10 năm mà ông Obama ước tính thực ra đã nằm trong kế hoạch ngân sách của ông. Ngoài ra, theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), số tiền này chỉ chiếm có 6/10 trong 1% của tổng số tiền thuế 32.000 tỷ USD của nước Mỹ trong thời kỳ này. Tệ hơn, CBO còn dự báo, thâm hụt ngân sách “bất tận” của chính quyền Obama trong thập kỷ tới sẽ lên tới 9.300 tỷ USD. Liệu đề xuất của ông Obama có giúp tạo thêm việc làm ở Mỹ hay không là một câu hỏi mở. Về phương diện kỹ thuật, ông Obama sẽ tăng thuế đánh vào lợi nhuận thu về từ thị trường nước ngoài của các công ty đa quốc gia thông qua con đường hạn chế sử dụng chính sách cho các công ty này trì hoãn chuyển lợi nhuận về nước và dùng tín dụng thuế nước ngoài như hiện nay. Theo lý thuyết, thuế cao hơn đánh vào lợi nhuận từ thị trường bên ngoài sẽ thúc đẩy các công ty đa quốc gia Mỹ đầu tư nhiều hơn vào thị trường trong nước. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất của ông Obama rốt cục có thể sẽ gây thiệt hại cho việc làm của người Mỹ. Bị đánh thuế nặng hơn, các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ gặp khó hơn khi cạnh tranh với các đối thủ châu Âu và châu Á. Một số cơ sở làm ăn ở nước ngoài của họ có thể bị các đối thủ có ưu thế hơn về thuế thâu tóm. Ngoài ra, các bộ phận hỗ trợ tại Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Như thế, nhiều việc làm tốt ở mảng quản lý ở Chicago hay New York sẽ mất đi”, chuyên gia Gary Hufbauer thuộc Viện Peterson nói. Nếu tính cả thuế tiểu bang, thuế suất thuế doanh nghiệp của Mỹ lên tới hơn 39%, chỉ thua mỗi Nhật Bản nếu xét trong các nước giàu. Tuy nhiên, thuế suất thực tế còn được giảm xuống thông qua các hình thức ưu đãi (chủ yếu áp dụng cho phần lợi nhuận tại Mỹ). Chính do những ưu đãi này, hệ thống thuế của Mỹ càng thêm cồng kềnh và tốn kém. Chuyên gia Hufbauer cho rằng, lẽ ra ông Obama nên được cố vấn cắt giảm thuế suất và bù lại bằng cách ngừng áp dụng các hình thức ưu đãi. Cách này sẽ giúp cắt giảm chi phí và tránh được sự gian lận.Theo VnEconomy, Newsweek