Ảnh minh họa |
Đề xuất ý tưởng thu xếp an ninh tương lai cho một nước Palestin phi quân sự cũng như đường biên giới, ông Obama cuối cùng đã đặt ra giới hạn việc phá thế bế tắc của tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine trong hai trên bốn vấn đề chính (hai vấn đề còn lại là Jerusalem và người tị nạn). Vấn đề là những ý tưởng này đã có cách đây 2 năm nhưng cả Palestine lẫn Israel đều chẳng đoái hoài gì đến nó. Do đó, có những nghi ngờ liệu ông Obama có đủ ý chí chính trị và chiến lược để thúc đẩy cả hai bên ngồi lại với nhau nhất là khi không có một hướng đi rõ ràng hơn lời kêu gọi chung chung rằng Mỹ, nhóm Bộ tứ và các nước Ả rập phải tiếp tục nỗ lực để vượt qua bế tắc hiện nay.
Những thay đổi tại Trung Đông và Bắc Phi đã có tác động lớn đến triển vọng hòa bình khu vực. Người Ả rập không còn muốn những nỗ lực kiến tạo hòa bình phụ thuộc vào lo ngại an ninh từ Israel và độ nóng của mùa bầu cử Mỹ. Thực tế, cả Israel và Palestine đã công khai bày tỏ thái độ bất bình đối với những đề xuất của ông Obama, đồng thời, tự tìm kiếm cho mình những phương án khác. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã "giảng giải" về lịch sử của đất nước này cho ông Obama ngay trước đông đảo ống kính camera và cho rằng các đường biên giới trước năm 1967 sẽ đặt Israel vào một vị trí không tự vệ được, thậm chí một quan chức tháp tùng Thủ tướng Israel trong chuyến thăm Mỹ còn cho rằng: "Washington không hiểu được thực tế, không hiểu được những gì mà chúng tôi đang phải đối mặt".
Còn Palestine dường như đạt được những bước tiến đáng kể khi tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bất chấp những lời đe dọa của ông Obama rằng những nỗ lực của nước này nhằm trở thành thành viên của Liên hợp quốc sẽ thất bại cũng như thỏa thuận hòa giải với nhóm Hamas, vốn bị Mỹ coi là một nhóm khủng bố, thì tiến trình công nhận Nhà nước Palestine độc lập vào tháng 9 tới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vẫn đang đi đúng hướng. Và điều này đang đặt Mỹ vào thế khó khi sự phủ quyết của Mỹ sẽ khiến nước này bị cô lập và chính sách mới về các nước Ả rập chỉ là lời nói suông. Nhưng sự đồng ý của Mỹ cũng là thảm họa đối với ông Obama khi hàng triệu cử tri Do Thái ở Mỹ sẽ có thể "giúp" ông nhanh chóng rời khỏi Nhà Trắng.
Nhiều nhà phân tích đã nói về những mục đích khác nhau của ông Obama khi đưa ra bài diễn văn về tiến trình hòa bình Trung Đông như cảnh báo Israel, kéo Palestine trở lại bàn đàm phán, đồng thời ngăn chặn nỗ lực của họ để có được sự công nhận của LHQ về một nhà nước Palestine, hay bày tỏ sự ủng hộ với "mùa xuân Ả rập"… nhưng có lẽ những ý tưởng đó chẳng còn thuyết phục được nhiều người. Thái độ nước đôi của chính quyền Obama về "mùa xuân Ả rập" đã khiến sự thất vọng đang lan tràn khắp khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Tại Jordanie, chỉ có 13% người dân đánh giá tốt lập trường của Mỹ, trong lúc vào năm 2010, tỷ lệ này là 21%. Còn tại Pakistan, chỉ còn 11% ủng hộ Mỹ. Và có tới 69% người Palestine không ủng hộ Mỹ đóng vai trò lớn hơn trong thương lượng với Israel sau khi tháng 2/2011, Mỹ phủ quyết nghị quyết lên án việc xây dựng khu định cư Do Thái ở Cisjordanie và Đông Jesuralem bị chiếm đóng
Ngày càng có sự mất bình tĩnh trong việc theo đuổi công lý cho Palestine và quy chế nhà nước cho chính họ. Do đó, cần phải có bước đi nghiêm túc tạo ra hai nhà nước Isarel và Palestine trong năm nay. Không đạt được điều đó, lo ngại của Israel sẽ tăng lên còn hiệu quả của nỗ lực từ Mỹ sẽ giảm đi khi Palestine nắm lấy sáng kiến trong một môi trường do ý chí của các nước Ả rập chi phối. Vì thế vấn đề quan trọng không phải là Mỹ nói gì mà Mỹ và các bên sẽ làm gì trong một mùa hè rất dài và nóng ở Trung Đông. Nếu các sự kiện tiến triển như Obama hy vọng, một ngày nào đó người ta sẽ nhìn lại bài diễn văn này như khoảnh khắc mà Mỹ cam kết về một sự thay đổi tích cực trong vai trò trung gian hòa giải của tiến trình hòa bình Israel - Palestine, ngược lại, bài phát biểu sẽ bị xem là những lời trống rỗng, và ông Obama sẽ được nhớ như người nói hay, làm dở.
Bảo Trâm