📞

Nỗi sợ hãi mang tên "Thử thách Momo" và trò đùa ác ý trên mạng xã hội

16:18 | 05/03/2019
Trên mạng xã hội Facebook thời gian gần đây xuất hiện nhiều bài viết, thông tin đầy tính cảnh báo về trào lưu được gọi là "Thách thức Momo"...

Momo lan truyền trên Internet thế nào?

Momo được miêu tả như một trò chơi, thường minh họa bằng bức ảnh ghê sợ về khuôn mặt của một người phụ nữ, trong đó những người tham gia (chủ yếu là trẻ em) bị ép buộc để hoàn thành các nhiệm vụ ngày càng nguy hiểm với bản thân. Nhiều bài đăng trong số này nói nó là xu hướng mới nhất trên mạng Internet.

Vào ngày 17/2, một phụ huynh nặc danh đã gửi một cảnh báo về "Thử thách Momo" cho một nhóm trên Facebook ở thị trấn Westhoughton, Anh. Nội dung của nó xuất phát từ cuộc nói chuyện giữa cô và giáo viên của con mình. Người giáo viên cho biết con của người phụ nữ này đã làm ba đứa trẻ khóc bằng cách nói với chúng: "Momo sẽ đi vào phòng vào ban đêm và giết chúng". Bài cảnh báo cũng mô tả về những thử thách và kêu gọi các bậc cha mẹ khác trong thị trấn nói chuyện với con cái mình về người xấu trên mạng Internet.

Bài đăng sau đó được biên tập để xuất hiện trên báo địa phương. Tiếp đó, nhiều trang tin tức tổng hợp lớn như Daily Mail và Daily Star đã đăng tải thông tin về "Thử thách MoMo". Nhiều bài viết nói mục đích cuối cùng của thử thách là thuyết phục những người tham gia tự sát trước máy ảnh. Trò chơi tự tử tấn công nước Anh là một trong các tiêu đề của Daily Star. Còn Daily Mail tập trung nhiều vào câu chuyện tư vấn để bậc phụ huynh biết cách xử lý thế nào.

Thông tin cảnh báo tác hại của Momo Challenge trên báo chí nước ngoài.

Sau đó, các cảnh báo này lan sang Mỹ. Một đài tin tức ở bang Florida tuyên bố "Thử thách Momo" là xu hướng mới nhất trên mạng xã hội. Một số người nổi tiếng như Kim Kardashian đã chia sẻ bài đăng để lan truyền cảnh báo.

Dù ý định của họ là gì, người ẩn danh đăng bài trên nhóm Facebook ở Westhoughton đã tạo ra một chuỗi sự kiện khiến cảnh báo về "Thử thách Momo" được lan truyền rộng rãi.

Trên thực tế, sự hoảng loạn đối với Momo thực tế dựa theo một mô hình khá quen thuộc và rất dễ lan truyền, đó là những thử thách. Nó tương tự nhiều trào lưu từng khá nổi trên mạng xã hội trước đó như "Thử thách bao cao su" (Condom Challenge) hay "Thử thách viên nước giặt" (Tide Pod Challenge). Chúng từng được cảnh báo là có thể gây ra thương tích, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng cho những người tham gia. Nhưng thực ra, những trào lưu lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội như thế này ít gây ra nguy hiểm trực tiếp tới trẻ em. Ngược lại, chúng dễ dàng thành công trong việc lan tỏa nỗi sợ qua Internet tới các bậc phụ huynh.

Trước đó, năm 2013 đã có một số YouTuber thử làm điều này nhưng từ đó tới nay không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ ai thực hiện lại thử thách với bao cao su. Ngược lại, số lượng video cảnh báo về nó trên YouTube lại nhiều tới chóng mặt. Sự việc tương tự sau đó xảy ra với "Thử thách Tide Pod", yêu cầu người chơi ăn một viên xà phòng giặt. Gần đây nhất là một thử thách yêu cầu người chơi bịt mắt để đi ra ngoài đường, dựa theo bộ phim Bird Box trên Netflix.

Momo cũng đang gây chú ý theo cách tương tự. Hình ảnh người phụ nữ với đôi mắt lồi và mái tóc đen, trông giống như một con quái vật gây chú ý nhanh chóng với mọi người và giới truyền thông. Các lời cảnh báo xuất hiện một cách dày đặc dù không có cái chết nào được xác nhận là có mối liên hệ với "Thử thách Momo".

Còn theo The Guardian, điều các bậc cha mẹ nên lo ngại hơn "Thử thách Momo" là nguy cơ tự tử tiềm ẩn ở trẻ em. Samaritans, một tổ chức phòng chống tự tử có trụ sở tại Anh, nói họ lo ngại sự phủ sóng của tin tức về "Thử thách Momo" sẽ làm tăng nguy cơ gây hại cho những người dễ bị tổn thương. Bởi khi câu chuyện này được công bố rộng rãi và mọi người bắt đầu hoảng loạn đồng nghĩa với việc những người dễ bị tổn thương biết về nó và đây mới chính là các rủi ro.

"Trào lưu" tự sát và còn gì nữa?

Đến nay, nhiều clip chứa "rác" độc kiểu Thử thách Momo đã bị các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ sau khi có các báo cáo, phản hồi từ người dùng. Tại Việt Nam, ngày 1/3, đại diện Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube cũng đã báo cáo với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin - Truyền thông rằng các clip chứa nội dung nguy hại cho trẻ em được người dùng báo cáo đều đã bị gỡ bỏ.

Tuy nhiên, với chiêu thức tinh vi là nhúng các clip rất ngắn vào giữa các clip phim hoạt hình nổi tiếng, việc loại bỏ mạnh mẽ các clip này trên mạng xã hội là hầu như bất khả thi trong điều kiện hiện nay. 

Ngoài Thử thách Momo, trên mạng xã hội Facebook Việt Nam thời gian gần đây cũng "nóng" với câu chuyện về một cô gái (TP.HCM) được cho là tự tử vì bị búp bê Kuma Thong ám. Trước đó, trên Facebook ngập tràn các bài viết, video và hội nhóm bàn về trào lưu nuôi búp bê có tên Kuma Thong - một loại bùa chú tâm linh xuất phát từ Thái Lan.

Theo giới thiệu từ nhiều trang trên Facebook, đây là loại búp bê được vẽ bùa phép và được yểm linh hồn với mục đích để những phù trợ cha mẹ - người nuôi - đạt được tất cả mong muốn trong cuộc sống. Kuma Thong thậm chí còn lọt vào tốp 10 từ khóa được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong tuần từ 15/2 đến 22/2 vừa qua.

Momo quái vật đã “chết”

Nhà điêu khắc người Nhật, anh Keisuke Aiso, “cha đẻ” của hình tượng quái vật Momo, vừa thông báo đã phá bỏ mô hình nhân vật này sau khi chứng kiến việc kẻ xấu đã lợi dụng nó như thế nào. Aiso nói rằng bản thân cảm thấy có trách nhiệm khi hình ảnh của Momo được dùng để hù dọa mọi người trong trào lưu "Thử thách Momo”.

Theo báo The Sun (Anh), nhà điêu khắc người Nhật cho biết anh cảm thấy mình có trách nhiệm trong việc một mẫu vật do anh tạo ra đã trở thành công cụ bị đem ra hù dọa và gây ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em trên mạng trong thời gian qua.

Hình tượng quái vật do anh Keisuke Aiso tạo ra đã bị những kẻ đùa ác trên mạng sử dụng lần đầu trong trò Momo Challenge. "Mọi người đều không biết Momo trở thành nỗi sợ hãi và đe dọa với trẻ em có đúng hay không nhưng rõ ràng trẻ em đã bị ảnh hưởng và tôi cảm thấy mình có ít nhiều trách nhiệm trong đó", anh nói.

Momo vốn là tác phẩm do nhà điêu khắc Nhật Bản Keisuke Aiso tạo ra. (Nguồn: The Sun)

Anh Aiso khẳng định Momo không tồn tại nữa, đồng thời cho biết mọi trẻ em có thể yên trí là Momo đã chết, nó không còn nữa và lời nguyền cũng đã hết.

Momo được tạo hình với mô phỏng phần trên để trần là của một phụ nữ và phần dưới là của một con chim. Nhà điêu khắc người Nhật thừa nhận ý định ban đầu khi tạo tác mẫu vật này là để hù dọa mọi người và Mother Bird được anh lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh dị. Theo anh Aiso, anh đã nảy ra ý tưởng tạo nên Mother Bird từ một chuyện ma của Nhật kể về người phụ nữ chết trong lúc sinh con và hóa thành một người chim còn ám ảnh mãi tại nơi bà đã chết.

Momo thực tế là tác phẩm có tên gốc Mother Bird, được chế tác vào năm 2016, trưng bày trong một triển lãm nghệ thuật ở Tokyo, Nhật Bản về những câu chuyện kinh dị. Cái tên Momo chỉ bắt đầu xuất hiện khi hình ảnh Mother Bird được lan truyền trên mạng.

Keisuke Aiso cho biết cảm hứng đằng sau nhân vật kinh dị này là một câu chuyện ma nổi tiếng của Nhật Bản.

Tuy quái vật Momo đã bị vứt bỏ và Momo Challenge được cho là không có thật, nhưng việc Momo xuất hiện trong các video hoạt hình trên YouTube là có thật.

Ngoài ra, nhiều video nhái Peppa Pig và các series hoạt hình nổi tiếng có chứa nội dung hướng dẫn trẻ tự sát hoặc có cảnh bạo lực máu me đã được phát hiện trên YouTube.

Trong bài viết trên The Guardian, biên tập viên Keza MacDonald cho rằng rất nhiều video khác trên YouTube Kids với những lời khuyên tự sát được chèn ngẫu nhiên vào video như một “trò đùa” mà không cần Momo xuất hiện.

Những video đáng sợ đã xuất hiện trên YouTube nhiều năm rồi, nhưng tới đầu năm 2017 chúng mới được chú ý khi một nhà văn viết về vấn đề này trên trang Medium của mình. Lúc đó, người ta mới nhận thấy là những video như kiểu Peppa Pig nhổ răng đầy máu me hay chuột Mickey bị tra tấn vẫn đang hiển thị trên YouTube Kids.

YouTube đã xóa đi phần lớn những video tệ hại, nhưng chúng vẫn cứ tiếp tục xuất hiện mới, với những cách thức mới để đánh lừa thuật toán kiểm soát.

(tổng hợp)