Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục làm trung gian cho thỏa thuận bình thường hóa Morocco-Israel. Trong ảnh từ trái qua: Quốc vương MoroccoMohammed VI, Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Nguồn: AP) |
Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Một bước đột phá lịch sử khác ngay hôm nay! Hai người bạn tuyệt vời của chúng ta là Israel và Vương quốc Morocco đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ - một bước đột phá to lớn cho hòa bình ở Trung Đông".
Trong một dòng tweet khác, ông Trump cũng cho biết thêm: "Hôm nay, tôi đã ký một tuyên bố công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara. Đề xuất về quyền tự trị nghiêm túc, đáng tin cậy và thực tế của Morocco là cơ sở duy nhất cho một giải pháp công bằng và lâu dài cho hòa bình và thịnh vượng!...Morocco công nhận Mỹ vào năm 1777. Vì thế, việc chúng tôi công nhận chủ quyền của họ đối với Tây Sahara là quyết định phù hợp".
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, Cung điện hoàng gia Morocco cũng ra tuyên bố xác nhận, nước này sẽ nối lại quan hệ ngoại giao với Israel trong thời gian tới, đồng thời ca ngợi quyết định “lịch sử” của Washington công nhận chủ quyền của nước này đối với khu vực tranh chấp thuộc Tây Shahara.
Theo tuyên bố của Cung điện hoàng gia Morocco, quyết định của Vương quốc Bắc Phi này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Nhà vua Mohammed VI và Tổng thống Trump.
Tuyên bố cho hay, Rabat sẽ nối lại các liên lạc chính thức và quan hệ ngoại giao với Israel trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, cùng ngày, truyền thông Bắc Phi đưa tin, Quốc vương Mohammmed VI đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Theo giới quan sát khu vực, động thái của phía Rabat được cho là nhằm trấn an Palestine vốn đang “đứng ngồi không yên” trước những diễn biến bất ngờ và được cho là có lợi cho Israel.
Tại cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Palestine, Quốc vương Mohammmed VI khẳng định, Rabat ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Theo Quốc vương Mohammmed VI, các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine là cách duy nhất để đạt được giải pháp cuối cùng, lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột này.
Trong phản ứng đầu tiên về thỏa thuận bình thường hóa Israel-Morocco, ngày 10/12, Hamas, phong trào Hồi giáo kiểm soát Dải Gaza, đã chỉ trích đây là một "tội ác chính trị".
Người phát ngôn Hamas Hazem Qassem nói: "Đây là một tội ác chính trị không nhằm phục vụ sự nghiệp của người Palestine và khuyến khích việc chiếm đóng tiếp diễn nhằm phủ nhận các quyền lợi của người dân chúng tôi".
Trong khi đó, thành viên của Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Bassam as-Salhi,cũng lên án thỏa thuận trên, giống như giới chức của Palestine đã làm với các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ của Israel với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan.
"Bất kỳ sự thoái lui nào của người Arab khỏi sáng kiến hòa bình Arab (2002), trong đó quy định rằng việc bình thường hóa chỉ diễn ra sau khi Israel chấm dứt việc chiếm đóng các vùng đất của người Palestine và người Arab, là không thể chấp nhận được và làm tăng sự hiếu chiến của Israel và là sự phủ nhận đối với quyền lợi của người dân Palestine", ông Bassam as-Salhi nói:
Về phần mình, Bộ trưởng trong Nội các Israel Rafael Peretz mô tả thỏa thuận này là "mang tính lịch sử và tràn ngập niềm vui".
Trên mạng xã hội Twitter, ông Peretz nhấn mạnh: "Bố mẹ tôi, những người Morocco nhập cư, luôn nói về hòa bình và mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng Arab. Đã đến lúc chúng tôi cũng phải làm như vậy".
Cùng ngày, hãng hàng không El Al Israel Airlines Ltd. cho biết họ đang nghiên cứu khả năng thiết lập các đường bay thẳng giữa Israel và Morocco. Trong một tuyên bố, hãng này nêu rõ: "Những chuyến bay như vậy sẽ được khách hàng Israel ưa chuộng".
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cũng đã đưa ra nhận định về thỏa thuận này, đã tuyên bố rằng, ông đánh giá cao và mô tả đây là một "bước đi quan trọng" để đạt được "sự ổn định hơn và hợp tác khu vực."