Đây là nhận định của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP23) đang diễn ra tại thành phố Bonn, Đức.
Theo Phó Tổng giám đốc FAO, Ren Castro, trong vài năm tới đây, ngành nông nghiệp có thể cho ra kết quả ngay lập tức trong việc kiềm chế khí phát thải mang tính quy mô toàn cầu. Việc này sẽ tạo cho ngành năng lượng và ngành giao thông có thêm thời gian chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Ngành nông nghiệp toàn cầu có thể giúp kiềm chế ngay lập tức lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. (Nguồn: Mondelez International) |
Các kế hoạch kìm hãm khí phát thải hiện nay không thể giúp kiềm chế mức nhiệt của Trái Đất ước tính sẽ tăng lên 3 độ C, cao hơn mục tiêu 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp đề ra trong Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, bà Helena Molin Valdes, người đứng đầu Liên minh về khí hậu và không khí sạch cho rằng nông nghiệp là nguồn tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng đồng thời có khả năng rất lớn trong việc hấp thu khí thải carbon.
Theo FAO, nông nghiệp và lâm nghiệp cũng như kết hợp với thay đổi cách thức sử dụng đất sản sinh ra 21% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trở thành nguồn sản sinh ra khí phát thải lớn thứ hai sau ngành năng lượng. Lượng khí thải từ hoạt động chăn nuôi chiếm gần 2/3 khí thải trong ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, những thay đổi trong phương thức chăn nuôi có thể giúp làm giảm bớt lượng khí thải. Các dự án thử nghiệm đang được triển khai thành công và có thể được mở rộng quy mô tại nhiều nước. Ví dụ như các dự án mới đây tại Brazil và Argentia đã nỗ lực tăng hiệu suất chăn nuôi từ nuôi 1 con bò/ha lên thành 4 con bò/ha và đồng thời hấp thu khí CO2 và metan bằng cách quản lý tốt hơn đồng cỏ, đất và trồng cây xanh.
Theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C thậm chí 1,5 độ C nếu có thể so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo dù các quốc gia thực hiện các cam kết tự nguyện về cắt giảm khí thải carbon hiện nay, mức tăng nhiệt độ vẫn không thể giảm như mục tiêu.