📞

Nông nghiệp Việt Nam trước thách thức của biến đổi khí hậu

13:24 | 11/01/2012
Dưới tác động của biến đối khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội, tác động xấu đến môi trường, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển lương thực. Nền nông nghiệp Việt Nam cần ứng phó với các thách thức này như thế nào?

Thúc đẩy Chiến lược quốc gia

Việt Nam (VN) luôn được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng (bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Xác định tầm quan trọng của việc này, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể nhằm giải quyết những thách thức như: 1) đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu; 2) Nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; 4) góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu...

Như vậy, vấn đề xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình Hành động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu của Bộ NN&PTNT là hết sức cần thiết. Đối với chăn nuôi, VN cần phải có chiến lược giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bởi vì chất thải chăn nuôi không được xử lý là một trong những "thủ phạm" gây biến đổi hiệu ứng nhà kính do các loại khí CO2, NH4… Trong trồng trọt, nước ta cũng cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế.

Ngoài các giải pháp ưu tiên như đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, phòng tránh lũ, lụt, bảo đảm nước tưới, giữ đất trồng lúa, VN cũng phải kiên quyết không chuyển đất từ trồng lúa sang làm khu công nghiệp, đô thị, sân gôn mà nên sử dụng đất bạc màu, đất nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả cho mục đích này. Hơn nữa, việc tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu hạn, mặn, ngập úng, có sức đề kháng với dịch bệnh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu hết sức cấp thiết

An ninh lương thực - mục tiêu trọng tâm

An ninh lương thực đã và đang là vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu. Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 cho thấy năm 2011 toàn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Tin vui có thể nhận thấy là tổng sản lượng lúa cả năm 2011 ước đạt 42,3 triệu tấn, tăng trên 2,3 triệu tấn so với năm trước, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu đạt gần 7,2 triệu tấn gạo.

Tuy nhiên, điều cần nhận thấy là vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung thực hiện trong năm 2012. Nói như Bộ trưởng Cao Đức Phát thì việc tái cơ cấu ngành là lựa chọn phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế của các vùng, miền, trong đó chú trọng phát triển thủy sản, chăn nuôi, đẩy mạnh công nghiệp bảo quản, chế biến gắn với các hoạt động thị trường nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất và phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như đã phân tích ở trên, tác động của biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với sản xuất nông nghiệp VN. Nhưng, nếu VN luôn có những chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước cùng với sự áp dụng các tiến bộ khoa học và khả năng thâm canh của nông dân được nâng cao thì bức tranh nông nghiệp của chúng ta còn thay đổi rất nhiều, đặc biệt là sản xuất lúa gạo.

Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Thời kỳ 1989 - 1995, bình quân mỗi năm VN xuất khẩu 1,849 triệu tấn gạo, thu về 359 triệu USD. Thời kỳ 1996 - 2000, bình quân mỗi năm xuất khẩu 3,67 triệu tấn gạo thu về gần 900 triệu USD. Thời kỳ 2001-2007, bình quân mỗi năm xuất khẩu 4,18 triệu tấn gạo, với kim ngạch 1,03 tỷ USD; cao hơn thời kỳ 1996-2000 về lượng xuất khẩu là 13,8% và về kim ngạch là 14,4%. Năm 2010, tổng sản lượng gạo xuất khẩu của VN là 6,9 triệu tấn giữ vị trí thứ hai thế giới sau Thái Lan (tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan năm 2010 là 9,03 triệu tấn).

Theo Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, tính tới đầu tháng 12-2011, Thái Lan đã xuất khẩu 10,3 triệu tấn gạo, tăng 29,94% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu tăng cao và các trận lũ lụt lớn thời gian vừa qua tại Thái Lan ảnh hưởng tới 70% các kho chứa, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan lo ngại lượng gạo xuất khẩu của nước này có thể giảm 50% trong năm 2012. Nếu điều này xảy ra, Thái Lan sẽ đánh mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, và ngôi vị này sẽ thuộc về Việt Nam. Theo ông Korbsook Iamsuri, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan: trong năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể giảm xuống còn 7-7,5 triệu tấn, trong khi đó, các nhà xuất khẩu gạo dường như có vẻ bi quan hơn về số lượng gạo xuất khẩu trong năm tới và cho rằng, nếu không có sự thay đổi lớn về chính sách, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan chỉ khoảng 5 triệu tấn vào năm 2012.

Có thể nói, biến đổi khí hậu tác động mạnh đến nền kinh tế toàn cầu và VN ứng phó với thách thức này chủ yếu theo hướng thích ứng. Đối với sản xuất nông nghiệp, để thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta đã có những giải pháp như điều chỉnh cơ cấu cây trồng và thời vụ phù hợp với hoàn cảnh biến đổi khí hậu; đa dạng hóa hoạt động xen canh, luân canh; cải thiện hiệu quả tưới tiêu nông nghiệp; tổ chức cảnh báo lũ lụt, hạn hán. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt, nước ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực và còn là một trong những nước giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, điều đó càng khẳng định thế mạnh phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

ThS. Đỗ Thị Dinh

Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường - Đại học Tài nguyên và Môi trường HN