Năm 2018, ngành nông nghiệp đã thiết lập kỷ lục - xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD. Kỷ lục này đã khẳng định vị thế là một trong những nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu - đứng thứ 15 và xuất sang hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm xuất khẩu kỷ lục
Có được thành công đó, theo Bộ NN&PTNT là do thị phần xuất khẩu tại các thị trường đều duy trì, củng cố và mở rộng, trong đó 5 thị trường chính đều tăng giá trị: Trung Quốc (chiếm 22,9%, giá trị tăng 3,6% so với năm 2017); Mỹ (chiếm 17,9%, tăng 9,4%); Nhật Bản (chiếm 19,1%, tăng 7,1%); ASEAN (chiếm 10,64%, tăng 11,0%); Hàn Quốc (chiếm 6,9%, tăng 29,4%). Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lựa chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm.
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng, trong đó có gạo, trái cây, rau, cá tra, đồ gỗ và lâm sản. Đáng chú ý, năm 2018, lần đầu tiên, nhiều nông sản Việt đã được các nước chấp nhận như: thịt gà vào Nhật Bản, thịt lợn đông lạnh vào Myanmar, vú sữa vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào Liên minh châu Âu (EU)... Tuy số lượng chưa lớn, song đã cho thấy uy tín của nông sản Việt ngày càng được thế giới thừa nhận.
Chế biến nông sản là phương châm đột phá trong năm 2019 của ngành nông nghiệp. (Nguồn: NNVN) |
Năm 2018, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Đặc biệt, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018 (đạt 3,76%), khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả.
Hướng đến kỷ lục mới
Kế hoạch cho năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 43 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với năm 2018. Nếu đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ xác lập kỷ lục xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Đánh giá về kế hoạch này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu này là khả thi vì các FTA thế hệ mới có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội cho nông sản Việt Nam thâm nhập các thị trường mới, tuy nhiên, sẽ đồng thời đặt những yêu cầu thay đổi mang tính chiến lược.
Năm 2018 có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng được khởi công và khánh thành. |
Theo Bộ Công Thương, khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, tại thị trường Canada, Việt Nam sẽ được xóa bỏ 100% thuế quan xuất gỗ, gạo. Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam được xóa bỏ thuế quan 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch thủy sản và 97% kim ngạch gỗ. Với Chile và Peru cũng xóa bỏ 100% thuế xuất - nhập khẩu với các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.
Còn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0 - 4% ngay lập tức như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%), gạo tấm, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Đối với mặt hàng rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước quả, EU cam kết cơ bản sẽ xoá bỏ thuế quan ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại được xóa bỏ trong lộ trình 3-7 năm. Các mặt hàng xuất chủ lực khác của Việt Nam là gỗ, sản phẩm từ gỗ, thuỷ sản… có lợi thế khi cạnh tranh với ưu đãi về thuế quan.
Tham gia vào các FTA mới còn giúp nông sản Việt Nam mở rộng thị trường ra những thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng như: Canada, Australia… cũng như đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.
Nỗ lực tự thân
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, bên cạnh thuận lợi khi tham gia vào các FTA mới, thị trường nông sản Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức. Đó là sự cạnh tranh sản phẩm nông sản ngay trên sân nhà khi hàng rào thuế quan được nới lỏng và đặc biệt, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp - nông thôn, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm thịt bò (Australia, Mỹ, EU), thịt lợn (Mỹ, EU), thịt gà (Mỹ), sữa và các sản phẩm sữa (Australia, New Zealand, Nhật Bản)… Mặt khác, xuất khẩu cũng sẽ gặp thách thức trong việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi hưởng ưu đãi và các quy định của thị trường nhập khẩu.
Để giải bài toán này, ngay tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 của Bộ NN&PTNT vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nhấn mạnh, năm 2019, Bộ sẽ tiếp tục tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Cùng với đó, Bộ chú trọng công tác dự báo thị trường, nhất là những thị trường trọng điểm (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc...), kịp thời cảnh báo các quy định về rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp đối với hàng xuất khẩu. Bộ cũng tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản tại thị trường nước ngoài…
Cũng theo Bộ trưởng, muốn tham gia thị trường nông sản thế giới ngày càng phát triển và nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, “không còn con đường nào khác là đảm bảo chất lượng, mà một trong những biện pháp là thông qua chế biến”.
Chính vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tăng đầu tư chế biến là biện pháp quyết định, không chỉ giúp tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu, mà còn đảm bảo tính bền vững của thị trường xuất khẩu. Chế biến cũng là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp.