TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế và cùng các nước thành viên ASEAN khác xây dựng nền móng quan trọng để Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được hình thành vào ngày 31/12/2015.
Trong bức tranh phát triển chung của ASEAN, hợp tác kinh tế luôn là mảng hợp tác sôi động, với nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Việt Nam đã tranh thủ được những cơ hội trong hội nhập kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường xuất khẩu, bước đầu tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải cách chính sách trong nước, thu hút đầu tư, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực mở rộng liên kết kinh tế trong khối và đạt được những thành tựu rất lớn. Năm 1996, khi mới tham gia Khối thương mại tự do ASEAN (AFTA), thương mại hai chiều của Việt Nam với các nước trong khối mới chỉ đạt khoảng gần 6 tỷ USD. Nhưng đến năm 2023, con số này đã tăng tới hơn 10 lần, trung bình khoảng 60 tỷ USD.
ASEAN cũng là nhân tố giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với các đối tác này.
Hiện nay, trong số 15 FTA mà Việt Nam đã ký kết, có đến tám hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đáng chú ý, ASEAN đã cùng năm nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm 2020 - khi Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể từ ngoài cũng như trong khu vực ASEAN. Cụ thể, Singapore hay Malaysia đã đầu tư rất nhiều trong những lĩnh vực chế biến, chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và lĩnh vực bất động sản của Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan cũng là một trong những nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực sản xuất gắn kết giữa hàng nông nghiệp, gia dụng và xây dựng.
Trong quá trình gần 10 năm tham gia AEC, có thể thấy rõ, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam được nâng lên để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế trong khu vực. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất lao động của đất nước.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc chuyển dịch nguồn lực lao động chất lượng cao. Đất nước đã đón nhiều chuyên gia, quản lý các doanh nghiệp đến từ các nước trong khu vực ASEAN đến làm việc. Đây là yếu tố góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh cũng như năng lực của nền kinh tế nói chung và của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.
Ngược lại, trong gần 30 năm gia nhập “ngôi nhà chung” ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy rất nhiều các hoạt động đầu tư sang các nước ASEAN. Chúng ta chủ yếu đầu tư ở các nước như Lào, Campuchia và cả Myanmar, trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Bên cạnh việc đón nhận nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam có xu thế xuất khẩu lực lượng lao động sang các quốc gia khu vực. Việc làm ăn, kinh doanh của người Việt Nam ở các nước bạn trở nên thuận lợi và tương đối dễ dàng. Hai bên bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt cho nhau, mở rộng các mối quan hệ hợp tác.
Nhìn lại tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, có thể thấy, gia nhập ASEAN là một quyết định quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Trước bối cảnh kinh tế thế giới bất định, Việt Nam cần cải thiện nhiều yếu tố để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng trong ASEAN nói riêng và toàn cầu nói chung như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế…
Hiện tại, vẫn còn nhiều dư địa cho việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tranh thủ cơ hội để nâng tầm hợp tác kinh tế, hướng tới thịnh vượng bền vững với “ngôi nhà chung”.
| Dành riêng cho ASEAN, của ASEAN và vì người dân ASEAN Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Diễn đàn Tương lai ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh điều tạo nên ... |
| Diễn đàn hợp tác kinh tế ASEAN-BRICS-Nga trong bối cảnh mới: Vấn đề và triển vọng 13 bài tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước đã đề cập các khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ hợp ... |
| ASEAN cần duy trì những giá trị cốt lõi trong hành trình tới tương lai Đoàn kết và vai trò trung tâm là cách tiếp cận của ASEAN khi giải quyết các vấn đề trong khu vực. Cách tiếp cận ... |
| Hãy luôn giữ ASEAN là điểm sáng của hòa bình, thịnh vượng ASEAN cần nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và hợp tác để bất kể môi trường nào đều thể làm tốt hơn cho ... |
| Thanh niên góp phần định hình tương lai ASEAN Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 sẽ đại diện thanh niên Việt Nam phát biểu tại ... |