📞

Nông thôn Nhật Bản và nguy khi cơ dân số giảm mạnh

16:33 | 24/11/2014
Cứ mỗi 6 giờ sáng, Yasufumi Shintani ra khỏi nhà để đến quán cà phê nhỏ của mình mang tên Bonkura ở một ngôi làng nông thôn miền núi ở Nhật Bản. Sau khi treo biển hiệu “Open”, ông đi vào quán và đợi.

Những chiếc xe hơi lần lượt đi qua, tiến về thành phố. “Không ai dừng lại”, Yasufumi Shintani nói trong khi ánh mắt nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ. “Cuộc sống đổ dồn về thành phố”, ông nói. Cuộc sống thường ngày của Shintani và ngôi làng xa lạ với hầu hết khách du lịch nước ngoài, hoặc thậm chí đối với thế hệ trẻ của Nhật Bản.

Hầu hết mọi người đều nghĩ về Nhật Bản là hình ảnh đông đúc của Tokyo với ánh đèn neon, những con robot và các thiếu niên ăn mặc như nhân vật hoạt hình yêu thích. Nhiều khách du lịch chỉ dừng chân ở Tokyo nơi tiếng Anh được dùng rộng rãi và di chuyển dễ dàng. Cuộc sống ở nông thôn Nhật bản ít được chú ý. Các thành phố như Tokyo và Osaka đang trở nên quá tải khi thanh niên nông thôn đổ dồn về đây ngày càng nhiều.

Bùng nổ dân số đô thị khiến dân số nông thôn đang bị suy giảm và kéo theo nhiều nếp sống văn hóa truyền thống có nguy cơ tuyệt chủng.

Ngôi làng của Yoshino của Kawakami là ngôi làng đặc trưng của nông thôn Nhật Bản. Sau mùa đông lạnh giá, mùa xuân về với sắc hoa anh đào rực rỡ, cuộc sống như bừng sáng. Nhưng cũng như nhiều vùng nông thôn khác, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang và nhiều nhà được gia chủ cho khách trọ miễn phí.

Sự kết hợp tình trạng di cư và tỷ lệ sinh giảm ở Yoshino khiến nơi đây có 53 % dân số trên tuổi 65. Tuy nhiên, có những người vẫn yêu tha thiết cộng đồng nơi họ sinh ra và chấp nhận một cuộc sống mà chất lượng tiếp tục suy giảm và dân số ít đi và hy vọng đó chỉ là một giai đoạn nhất thời.

Nhưng đối với trẻ em, mỗi năm cơ hội trở nên khan hiếm.

Trong trường học, các câu lạc bộ đòi hỏi một số lượng thành viên tối thiểu, chẳng hạn như bóng chày không thể duy trì. Các câu lạc bộ ngoại ngữ và khoa học không thể tiếp tục. Chỉ các câu lạc bộ như bóng bàn tồn tại. Nhiều thị trấn không có trường trung học và các học sinh phải đến các vùng khác hoặc ra thành phố trọ học. Điều này tăng thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình của họ.

Tương tự, cơ hội việc làm đang thu hẹp mỗi năm và một chu kỳ lại lặp lại: Người ta đang rời khỏi làng vì cơ hội đang khan hiếm, và cơ hội đang trở nên khan hiếm hơn bởi vì mọi người đang rời khỏi làng.

LÊ VY (theo UPI)