Anh Guido Pallini tại trang trại của mình. |
Cứu làng bị già hóa
Những năm gần đây, nhiều vùng quê của Nhật Bản ngày càng trở nên vắng vẻ, thậm chí có nguy cơ hoang hóa khi thanh niên bỏ lên thành phố mưu sinh. Trước tình trạng dân số chỉ còn lại khoảng gần 400 người, các quan chức tại vùng Mishima (Nhật Bản) đã có một ý tưởng độc đáo là lập chương trình tặng bò sữa miễn phí cho cư dân mới. Theo kênh tin NDTV, bất kỳ ai chuyển tới sinh sống ở đây sẽ được tặng miễn phí một con bò hoặc 500.000 Yen tiền mặt (khoảng 95 triệu đồng).
Không riêng Mishima, nhiều nơi trên khắp đất nước Nhật Bản đã tìm mọi cách thu hút dân cư, từ tặng gạo, miễn phí bữa trưa, dịch vụ chăm sóc y tế và cả vé vào các khu tắm nước nóng. Ngôi làng Nanmoku, cách Tokyo 100 km về phía Tây Bắc là nơi có dân số già nhất cả nước với 57% cư dân trên 65 tuổi đang đưa ra những ưu đãi như miễn phí bữa trưa và dịch vụ y tế tại các trường học cho bất cứ người nào sẵn lòng tới sống tại đây.
Nhiều thập kỷ qua, thanh niên Nhật Bản đã khăn gói lên Thủ đô tìm kiếm cơ hội thành công nhưng áp lực của cuộc sống khiến nhiều người đã quay lại tìm sự yên bình nơi thôn quê. Tỉnh Nagano, nằm trên đảo Honshu - trung tâm sản xuất lương thực và rau quả lớn của Nhật Bản có sáng kiến Tuần lễ nông dân với các chương trình thực tế mà đối tượng là thanh niên đang sống tại Tokyo và nhiều thành phố khác. Đây thực sự là trải nghiệm quý với giới trẻ đã quen với cuộc sống ồn ào nơi đô thị. Họ được dạo bước giữa những vườn táo trĩu quả, những khu nhà kính đầy hoa thơm trái ngọt, được chuyện trò với nông dân trên những cánh đồng lúa trĩu bông. Những thanh niên tham gia chương trình còn có cơ hội được làm nông dân thực sự, được đổ mồ hôi trên mảnh vườn thửa ruộng và nếm trải cảm giác hân hoan khi mùa vụ bội thu.
Xu hướng quy Nông, quy Thôn
Tại Hàn Quốc, nhiều người cũng đang có xu hướng rời xa các đô thị náo nhiệt để về nông thôn sinh sống. Theo Bộ Nông Lâm Thực phẩm và Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, năm 2014, số lượng hộ gia đình rời thành thị về nông thôn sinh sống (gọi là "Xu hướng quy Nông, quy Thôn") đã tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay với 44.586 hộ, tăng 37,5% so với con số 32.424 hộ năm 2013, và tăng hơn 11 lần so với năm 2010 (chỉ 4.067 hộ).
Đặc biệt, số lượng hộ gia đình rời về vùng nông thôn cũng khác nhau theo độ tuổi trung bình của chủ hộ. Chủ hộ trong độ tuổi 30 chiếm 19,6%, độ tuổi 40 chiếm 22%, độ tuổi 50 chiếm 29,6%, độ tuổi 60 chiếm 19,1% và độ tuổi trên 70 tuổi chiếm 9,7%. Những địa phương có tỷ lệ rời thành thị cao nhất là Gyeonggi (27,6%), Seoul (23,7%), Incheon (5,4%)…
Có nhiều lý do để các hộ gia đình chuyển về nông thôn sinh sống, chủ yếu là nghỉ hưu (53,6%), sức khỏe (51,8%), thích cuộc sống nông thôn (22,4%), do cuộc sống tại thành phố ngày càng trở nên khó khăn hơn (15,2%), muốn sống gần họ hàng người thân (14%), muốn sống có ý nghĩa hơn (12,6%), tiết kiệm chi tiêu (11,8%)… Đặc biệt, số hộ về để làm nông nghiệp là 11.144 hộ với 18.846 nhân khẩu cho thấy người dân đang hứng thú trở lại với công việc trên đất đai của mình.
Mầm hy vọng tại nông trại
Thay vì đổ xô đi xin việc làm tại các văn phòng, một số sinh viên mới tốt nghiệp và doanh nhân trẻ ở Italy cũng đang mạnh dạn khởi nghiệp trên các cánh đồng. Không chỉ do khủng hoảng kinh tế, có hai yếu tố khác gây ảnh hưởng tới quyết định của giới trẻ nước này là tiềm năng ngành nông nghiệp và sự thay đổi trong nhận thức về cuộc sống.
Trang Al Jazeera cho biết, anh Piergiovanni Ferraresi, 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật đã quay về làm việc tại nông trại của gia đình ở ngoại ô Verona, Đông Bắc Italy. Trong khi đó, Guido Pallini, 28 tuổi từng làm việc tại một ngân hàng ở Anh đã trở về nông thôn lập nghiệp. Hiện tại, Pallini sản xuất phomát từ sữa trâu với chủng loại phong phú như mozzarella, ricotta, taleggio và sản phẩm của anh đã được phân phối khắp khu vực.
Một nghiên cứu do Coldiretti - tổ chức của nông dân tại Italy cho thấy, có tới 54% người Italy dưới 35 tuổi muốn làm việc trong ngành nông nghiệp, hơn là làm việc cho một công ty đa quốc gia (21%) hay trong lĩnh vực ngân hàng (13%).
Bất chấp suy thoái kinh tế và thị trường du lịch bị ảnh hưởng, du lịch trang trại ở Italy vẫn phát triển mạnh. Vùng có nhiều khu du lịch trang trại nhất ở Italy là Tuscany (nổi tiếng với các cánh đồng nho, ô liu và các hoạt động sản xuất rượu vang, dầu ô liu, dấm) hiện có hơn 4.000 khu du lịch trang trại. Xu hướng này nằm trong sự phát triển của trào lưu sống chậm và gần gũi với thiên nhiên.
QUỲNH ANH (tổng hợp)