Nord Stream 2 sẽ không bao giờ chảy, Đức không lụy vào khí đốt Nga, nhưng…. (Nguồn: Oilprice) |
Phát biểu với truyền thông Đức mới đây, Thống đốc bang Lower Saxony Weil cho biết, “việc mất niềm tin là cơ bản, đến mức sẽ không bao giờ có tình huống mà chính phủ Đức còn có thể phụ thuộc vào năng lượng từ Nga”.
“Nord Stream 2 sẽ không bao giờ đi vào hoạt động”, ông Weil nói thêm.
Tuần trước, Tổng thống Putin nói rằng, Nga không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và nếu châu Âu muốn có thêm khí đốt, họ chỉ cần "nhấn nút" trên Nord Stream 2 và "mọi thứ sẽ diễn ra" - tức là khi đó các lệnh trừng phạt cũng được dỡ bỏ.
“Điểm mấu chốt là, nếu bạn có nhu cầu, nếu tình hình quá khó đối với bạn, chỉ cần dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2, đồng nghĩa với 55 tỷ m3 khí mỗi năm, chỉ cần nhấn nút và mọi thứ sẽ diễn ra". Tổng thống Nga đã nói như vậy tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.
Tổng thống Putin cũng chỉ trích "Chương trình nghị sự xanh" – chiến lược thúc đẩy năng lượng tái tạo của EU - mà ông cho rằng, chính nó đã "khởi động" cuộc khủng hoảng năng lượng ngay cả trước cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, các dấu hiệu đang gia tăng cho thấy nền kinh tế Đức đang rơi vào suy thoái, điều này sẽ trầm trọng hơn khi họ bước vào những tháng mùa Đông, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng và khí đốt vẫn chưa thấy điểm dừng, ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cho biết, trong báo cáo hàng tháng vừa công bố ngày 19/9.
Theo đó, theo Bundesbank, nền kinh tế số 1 châu Âu đang co lại và khí đốt tự nhiên bị thắt chặt, có nghĩa là nó sẽ tiếp tục bị thu hẹp trong suốt mùa Đông tới.
"Hoạt động kinh tế có thể giảm phần nào trong quý này và giảm rõ rệt trong các tháng mùa Thu và mùa Đông", thông tin từ Ngân hàng Trung ương Đức nêu rõ.
Và ngay cả khi Đức tránh việc phân bổ khí đốt tự nhiên nghiêm ngặt, nền kinh tế có thể sẽ vẫn bị thu hẹp do ngành công nghiệp giảm hoặc bị đóng băng sản xuất.
Nền kinh tế hàng đầu châu Âu hiện cũng không hy vọng mức giảm 3,2% vào năm 2023 - một kịch bản tiềm năng được đưa ra vào đầu năm 2022 - sẽ thành hiện thực.
Theo báo cáo, GDP của Đức đã tăng 0,1% trong quý 2/2022. Tuy nhiên, ngày càng nhiều chỉ số kinh tế như lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đã bắt đầu đi xuống. Dự báo tăng trưởng kinh tế Đức có thể giảm nhẹ trong quý 3, trước khi giảm mạnh trong quý 4 và quý đầu của năm 2023. Bundesbank khẳng định, "tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga cho thấy tình hình thị trường đang rất căng thẳng".
Việc giảm nguồn cung khí đốt đã đẩy giá nhiên liệu và điện tăng vọt, khiến lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Viện Nghiên cứu kinh tế (Ifo) cho biết, lạm phát của Đức có thể lên tới 8,1% trong năm nay và 9,3% trong năm tới.
Trước đó, chính phủ Đức đã đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức - Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vào tháng 2, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine.
Ngay trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc xây dựng đường ống đã hoàn tất, nhưng Nord Stream 2 còn phải chờ Đức thông qua quy định đầy đủ và Liên minh châu Âu xem xét về việc tuân thủ các quy định năng lượng của EU.
Các đánh giá trên đã không bao giờ được thực hiện. Châu Âu và Đức bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của họ từ nhiều nguồn khí đốt hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Na Uy và Bắc Phi.
Trên thực tế, Đức - nền kinh tế đầu tàu của châu Âu và là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga, tiếp tục nhập khẩu khí đốt qua Nord Stream 1 cho đến khi Nga chính thức đóng cửa vào đầu tháng này. Vào đầu tháng 9, sau ba ngày ngừng dòng chảy với lý do bảo trì, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga nói rằng, Nord Stream 1 sẽ vẫn đóng cửa vô thời hạn và đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra tình trạng này.
Cùng với Đức, EU đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông tới vì Nga từng là nhà cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho khu vực, phần lớn được vận chuyển qua đường ống. Năm 2021, Nga xuất khẩu khoảng 155 tỷ m3 nhiên liệu sang châu Âu - hơn 1/3 trong số đó đến từ đường ống Nord Stream 1.
Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với một năm trước, nhưng đã giảm từ mức cao kỷ lục 345 Euro (344 USD) vào tháng 8, do gần đây khi các quốc gia trên lục địa này đã đạt được mục tiêu dự trữ năng lượng mùa Đông trước thời hạn.