📞

Nữ nhân viên Google phá kỷ lục thế giới khi đi tìm "điểm kết" của số pi

12:10 | 15/03/2019
Emma Haruka Iwao, nữ nhân viên đang làm việc tại Google vừa lập kỷ lục thế giới sau khi phân tích được số pi đến hơn 31 nghìn tỷ chữ số.

Pi (π) về cơ bản là một dãy số vô tận. Dẫu vậy, rất nhiều các nhà toán học cho biết họ luôn bị thôi thúc đi tìm "điểm kết" của nó.

Số pi (ký hiệu là π) là một hằng số toán học có giá trị bằng tỷ số giữa chu vi của một đường tròn với đường kính của đường tròn đó. Hằng số này có giá trị xấp xỉ bằng 3,1415926535897...

Emma Haruka Iwao. (Nguồn: Google)

π là một số vô tỉ, nghĩa là nó không thể được biểu diễn chính xác dưới dạng tỉ số của hai số nguyên. Nói cách khác, nó là một số thập phân vô hạn không tuần hoàn.

Trước đây, người ta từng tính được đến 9 nghìn tỷ (trillion) chữ số nằm trong số pi. Tuy nhiên bằng công nghệ đám mây, Emma Haruka Iwao - nữ nhân viên đang làm việc tại Google, đã thiết lập kỷ lục thế giới mới sau khi phân tích được số pi đến hơn 31 nghìn tỷ chữ số. Thành tựu này được Google công bố vào đúng "ngày Pi" (14/3).

Việc tính toán số pi đòi hỏi một khối lượng xử lý dữ liệu cực lớn, Iwao chia sẻ. Bằng cách sử dụng chương trình y-cruncher trên cụm Google Compute Engine, Iwao đã tính toán tổng cộng 170 terabyte dữ liệu. Con số này tương đương 34 triệu bản nhạc được lưu trữ trong bộ nhớ đám mây, và được cô thực hiện trong 121 ngày, trên 25 máy chủ ảo.

Pi (π) về cơ bản là một dãy số vô tận. Dẫu vậy, rất nhiều các nhà toán học cho biết họ luôn bị thôi thúc đi tìm "điểm kết" của nó. (Nguồn: iStockphoto)

Iwao cho biết đây là lần đầu tiên công nghệ điện toán đám mây được sử dụng để tính pi và phá vỡ kỷ lục thế giới. Một kỹ sư tại Yahoo đã từng có ý tưởng tương tự, khi sử dụng công nghệ đám mây của công ty vào năm 2010 để tính toán đến chữ số thứ 2 triệu tỷ (quadrillionth) của pi nhưng không thành công.

Được biết, việc theo đuổi các phiên bản mã pi dài hơn là một "thú vui tiêu khiển" lâu đời của các nhà toán học.

Iwao cũng không phải ngoại lệ, khi cô thừa nhận bản thân luôn bị mê hoặc bởi các con số từ khi còn nhỏ. "Số pi không có điểm kết thúc. Và tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm thêm nhiều chữ số nữa", Iwao chia sẻ.

(theo Dân trí)