📞

Nữ sĩ quan Việt Nam trồng 'hoa nụ cười' giữa nắng Trung Phi

21:21 | 11/05/2020
TGVN. Trong “thời Covid-19” đầy căng thẳng, lại ở tại một đất nước còn nhiều khó khăn như Trung Phi, nhưng nữ sĩ quan Việt Nam Nguyễn Thị Liên vẫn có cách “gieo” nụ cười, "hái" niềm vui một cách rất nhẹ nhàng và cũng rất Việt Nam.    
Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA (giữa) gặp gỡ và khen ngợi nghĩa cử của Trung tá Nguyễn Thị Liên. (Nguồn: Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam)

Lãnh đạo Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại CH Trung Phi (MINUSCA) vừa tặng giấy khen đột xuất cho Trung tá Nguyễn Thị Liên của Việt Nam vì nghĩa cử cao đẹp: Tự may khẩu trang cấp phát miễn phí cho toàn bộ nhân viên Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA và một số người dân ở Thủ đô Bangui trước ngày Chính phủ CH. Trung Phi quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Điều gì đã thôi thúc chị tự may khẩu trang cấp phát miễn phí cho toàn bộ nhân viên Sở chỉ huy Phái bộ MINUSCA và một số người dân ở Thủ đô Bangui, Trung Phi?

Có lẽ để làm một việc thiện nguyện đối với bất kỳ ai thì cũng đều xuất phát tấm lòng hào hiệp không toan tính và cũng không ngại khó khăn. Thời điểm này dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, không ngoại trừ quốc gia và vùng lãnh thổ nào. Ngày nào tôi cũng theo dõi thời sự về dịch bệnh, đặc biệt là tại quê nhà Việt Nam.

Đất nước chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh bằng cách kết hợp những việc làm rất nhỏ là mọi người ra đường phải đeo khẩu trang. Trong khi đó, mặc dù thời điểm tôi bắt đầu “ khởi nghiệp”, Trung phi vẫn chưa có dịch. Hơn nữa, việc đeo khẩu trang rất bị kỳ thị. Tôi ra đường đeo khẩu trang người dân nơi đây chỉ vào mặt nói rằng “Chin Hoa corona” nghĩa là Trung Quốc Corona.

Lúc đó, tôi từng nghĩ, "chỉ vì cái khẩu trang chưa biết chừng có ngày gặp hiểm nguy". Tôi đành phải dùng một chiếc khăn khác để che chiếc khẩu trang bên trong. “Khẩu trang” không có tội tình gì cả, nó như là chiếc lá chắn, là bùa hộ mệnh trong thời kỳ dịch bệnh. Sớm hay muộn, Chính phủ CH. Trung Phi sẽ phải có chỉ thị đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng. Nếu không, Chỉ huy Phái bộ MINUSCA cũng sẽ yêu cầu nhân viên thực hiện việc này. Do vậy, tôi quyết định may thật nhiều khẩu trang nhất có thể phòng khi dịch tràn đến.

Tôi thuê một chiếc máy khâu rồi ra chợ mua vải và dây chun để khẩn trương sản xuất khẩu trang trước khi đại dịch có thể bùng phát. Với kỹ năng sử dụng máy khâu từ khi còn là học sinh, tôi tranh thủ thời gian sau giờ làm việc ở Phái bộ để cắt, may. Con số người nhiễm bệnh được công bố tăng dần, càng thôi thúc tôi phải sản xuất thật nhanh, càng nhiều càng tốt. Không phụ lòng mong mỏi, những chiếc khẩu trang của tôi đã hoàn thành vai trò sứ giả tuyên truyền quảng bá cho hình ảnh đất nước quật cường và ý thức của người dân Việt nam tới bạn bè quốc tế.

Khi được mọi người đón nhận, cảm nghĩ của chị như thế nào?

Tôi đặt vấn đề với cơ quan Quân y Phái bộ là sẽ trao tặng số khẩu trang cho nhân viên Phái bộ đúng dịp 30/4, trước thời điểm Chỉ thị đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng 4 ngày. Tôi lo lắng không biết việc làm của mình có bị cho là ngớ ngẩn không. Nhưng thật bất ngờ đề xuất của tôi lại được đón nhận một cách nhiệt tình.

Trong buổi gặp mặt bàn giao số khẩu trang, ngài Trung tướng Daniel Traore, chỉ huy Phái bộ MINUSCA ghi nhận tấm lòng hào hiệp bằng sự nỗ lực rất lớn vì sức khoẻ cộng đồng. Ngài nói, "tôi xứng đáng là đại sứ tuyệt vời của Việt Nam". Tôi thực sự xúc động và tự hào về đất nước con người Việt Nam khi Ngài Trung tướng nói rất nhiều về cách phòng chống dịch của chúng ta, những nghĩa cử cao đẹp của người dân, sự lãnh đạo tuyệt vời của Đảng, bên cạnh đó là ý thức của người dân. Đảng vì dân, dân ủng hộ Đảng.

Rất tiếc tôi không ghi âm lại được cuộc mạn đàm, nhưng chỉ với những điều mắt thấy, tai nghe và sự cảm nhận cũng đủ để thôi thúc tôi hành động, góp "một ngôi sao nhỏ trong dải ngân hà".

Nhân viên dân sự của Phái bộ MINUSCA thích thú với khẩu trang được tặng. (Nguồn: Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam)

Trung tướng Daniel Traore, Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA đã đánh giá chị là “Đại sứ tuyệt vời của Việt Nam”, đó cũng là cảm nhận chung của nhiều người, chị suy nghĩ như thế nào về những hoạt động “ngoại giao nhân dân” giữa những mảnh đất vẫn đầy đói nghèo và xung đột ấy?

Tôi không được đào tạo về chuyên ngành ngoại giao cho nên dùng thuật ngữ ngoại giao nhân dân nghe có vẻ hơi xa vời, tôi chỉ nghĩ đơn giản là cách ứng xử, cách đối nhân xử thế. Ở một nước nghèo và còn khá lạc hậu, kiếm được một nụ cười tự nhiên rất khó, vì cái bụng đói, vì bế tắc cuộc sống vì cơm áo gạo tiền... Vậy nên cách và "kế" để làm cho mọi người vui vẻ, cười được chính là bí quyết “ngoại giao” của tôi ở xứ nghèo này.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Cách cho và nhận cũng vô cùng nhạy cảm ở vùng đất này. Tôi đã rèn thêm cho mình sự kiên nhẫn để thể hiện cho được cái tâm của mình dù bất đồng ngôn ngữ. Tôi giúp họ cách để tạo ta đồ ăn và có đồ rồi thì phải làm cho ngon. Cứ như thế khách nhớ chủ, chủ nhớ khách, rồi một lúc nào đó không còn ranh giới khách chủ nữa. Tôi tự tin ra khỏi nhà mà không lo sợ gì, điều này làm tôi thích thú nhất ở vùng hay xảy ra xung đột này.

Là phụ nữ tham gia Lực lượng GGHB LHQ, chị cảm nhận như thế nào về sứ mệnh của mình với chiếc mũ nồi xanh LHQ và lá cờ Tổ quốc đính trên ngực?

Tham gia lực lượng Gìn giữ Hòa bình của LHQ là trách nhiệm của các quốc gia trên toàn thế giới đối với nền hoà bình chung của toàn nhân loại. Tuy Việt Nam mới tham gia từ năm 2014 nhưng vai trò trách nhiệm của chúng ta được ghi nhận rất lớn. Đó cũng chính vì nước ta có bề dày lịch sử dân tộc, vượt qua muôn vàn đau thương để có một nền độc lập. Chính nền độc lập ấy là thành luỹ, là niềm tin trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta coi tất cả các quốc gia là bạn, là đối tác. Quan điểm này chính là lòng hào hiệp của dân tộc giúp cho chúng ta vươn xa hơn và nhanh hơn so với tiềm lực của mình.

Tôi không đưa ra so sánh về “cơ bắp” giữa phụ nữ và nam giới, chính vì vậy tôi cho rằng sức mạnh của phụ nữ rất lớn. Bởi thời đại văn minh là thời khẩu chiến chứ không phải vũ chiến. Là phụ nữ đội trên đầu chiếc “mũ nồi xanh” và lá cờ đỏ trên ngực, tôi muốn thể hiện niềm tự hào dân tộc, sự biết ơn những người lính đã hy sinh vì màu cờ sắc áo và hơn thế nữa muốn thể hiện sức mạnh của con cháu Hai Bà Trưng và giữ trọn "nụ cười chiến thắng" của nữ anh hùng Võ Thị Thắng.