📞

Nữ tiến sĩ Việt say mê sáng chế

06:53 | 08/03/2019
Điều gì khiến cô gái nhỏ đến từ vùng quê nghèo của tỉnh Trà Vinh trở thành Tiến sĩ công nghệ sinh học nano tại Hàn Quốc? Tất cả đều do niềm đam mê nghiên cứu để vượt qua những giới hạn với phụ nữ và  những khó khăn ở xứ người...
Trịnh Kiều Thế Loan. (Ảnh: NVCC)

Gặp gỡ Trịnh Kiều Thế Loan khi cô nhận giải Quả cầu vàng về khoa học công nghệ năm 2018, nhưng chỉ khi được nghe cô tâm sự về công việc chuyên môn mới hiểu hết đam mê và ý nghĩa theo đuổi nghiên cứu khoa học. Nữ tiến sĩ 31 tuổi hiện đang làm trợ lý Giáo sư tại Khoa Công nghệ Sinh học Nano, Đại học Gachon – một trong những đại học danh tiếng của Hàn Quốc.

Từ giấc mơ “công nghệ sinh học”

Tình cờ biết đến Công nghệ sinh học lúc học cấp III, Loan thấy rất hứng thú và thuyết phục gia đình thi vào ngành này. Khi vào đại học, cô tiếp tục lựa chọn một ngành khó là Công nghệ sinh học phân tử DNA để khám phá những thứ không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Đam mê ấy trong cô ngày càng lớn. Bởi vậy, việc cô nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo thạc sĩ (2010) và tiến sĩ (2012) tại Khoa Công nghệ sinh học Nano, Đại học Gachon là sự quyết tâm để tìm cái mới và công việc đòi hỏi thử thách cao hơn.

Nghiên cứu khoa học với nữ đã khó, lại ở môi trường xa xứ, cô gái ấy phải tìm cách để vượt qua những khó khăn ấy trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình. Gần như, cô đã phải dành hết quỹ thời gian của mình cho nghiên cứu và học tập. Thời gian làm việc mỗi ngày của cô thường tới 14 tiếng, nhưng cô từng bước chinh phục được những mục tiêu đã đề ra.

... đến những sáng chế độc quyền

Thành quả mà cô gái Trà Vinh nhận được là việc công bố thành công 20 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín quốc tế và hai bằng sáng chế độc quyền tại Hàn Quốc. Đáng chú ý là bằng sáng chế “Sử dụng thiết bị nhiệt đơn trong phản ứng chuỗi polymerase (PCR) ứng dụng phát hiện mẫu bệnh phẩm” của cô đã gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu công nghệ sinh học hiện đại.

Chia sẻ về sáng chế này, Loan cho biết cô đã nghiên cứu để tạo ra thiết bị mới đơn giản về cách sử dụng, tiết kiệm năng lượng, chi phí vận hành để có thể ứng dụng phát hiện các bệnh phẩm dựa trên các dấu phân tử DNA. Bình thường phản ứng PCR cần 3 nguồn nhiệt để thực hiện phản ứng, thì ở phát minh này, thiết bị có cấu trúc 3D để thực hiện phản ứng chỉ với một nguồn nhiệt đơn. Từ đây, các phản ứng PCR có thể thực hiện dễ dàng hơn, ở nơi không có điều kiện để lắp đặt một hệ thống PCR. Ngoài ra, thiết bị có thể có kích thước nhỏ hơn một bàn tay và thời gian phát hiện mẫu bệnh phẩm chỉ 30 phút.

Hiện tại, Loan đang được giữ lại Đại học Gachon làm nghiên cứu trong nhóm của một Giáo sư cùng với 12 sinh viên (10 bạn là sinh viên Việt Nam đang theo chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại trường). Với chức danh trợ lý Giáo sư, cô tập trung nghiên cứu tại Khoa Công nghệ Sinh học Nano - là một trong những khoa chủ chốt của Trường với các giáo sư đa phần đều tốt nghiệp tiến sĩ từ Mỹ về.

Với chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu, Loan tin có rất nhiều cách đóng góp để nâng tầm công nghệ sinh học thông qua các hoạt động trao đổi, giao lưu hợp tác, nghiên cứu giữa các trường đại học tại Hàn Quốc với các viện nghiên cứu, đại học tại Việt Nam. Đặc biệt, cô cũng sẽ cung cấp nhiều kênh thông tin học bổng để tạo cơ hội nhiều hơn cho các thế hệ sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận và nhận được học bổng, cũng như tìm kiếm các nguồn quỹ cho đề tài hợp tác song phương.

Đừng nghĩ nghiên cứu khoa học thì khô khan!

Loan chia sẻ, mọi người thường nghĩ phụ nữ làm là khoa học thì rất khô khan, nhưng thực sự không như vậy. Bản thân cô luôn được bạn bè đánh giá là cá tính mạnh, nhưng bên trong cô gái này lại khá lãng mạn với các sở thích du lịch, shopping, thể thao, xem phim.... Những lúc rảnh rỗi, nữ tiến sĩ thường dành thời gian đọc sách. Với cô, đây chính là khoảng thời gian quý giá để dành cho bản thân và suy ngẫm những chuyện xung quanh cuộc sống.

Hiện đã 31 tuổi, nhưng Loan vẫn đang độc thân. Hỏi vui rằng “phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học lại có trình độ trí thức cao như vậy có lo “ế” không”, cô chỉ cười: “Lo cũng không giải quyết được vấn đề, chỉ cần sống tốt, sống đẹp mỗi ngày đợi duyên đến. Là phụ nữ, ai cũng sẽ có hai cuộc sống dành cho công việc và gia đình. Tôi vẫn tin rằng đâu đó vẫn có một người dành cho mình”.

Nói về mục tiêu trên con đường nghiên cứu khoa học, Loan cho biết, tâm huyết của cô là tạo ra được những nghiên cứu mang lại sự tiện lợi, giá trị và phục vụ chất lượng cuộc sống con người. Từ những nghiên cứu mang tính lý thuyết, cô vẫn đang cố gắng hoàn thiện để xin những bằng sáng chế, sau đó kết hợp các công ty để tạo ra những sản phẩm thực.

“Công nghệ Sinh học Nano là một ngành vô cùng tiềm năng góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người. Những thiết bị này có thể sử dụng dạng phổ thông để đưa đến cho con người những chuẩn đoán nhanh về bệnh ngay tại nhà. Đây chính là hoài bão chung của những người đang làm nghiên cứu ở lĩnh vực này”, cô nói.