Một phôi người đang được tiêm tế bào gốc vào (Nguồn: AP) |
Cơ quan quản lý thụ tinh nhân tạo và phôi thai sinh học của nước Anh ngày 1/4 đã cấp phép cho một nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Kathy Niakan đứng đầu được tiến hành thí nghiệm chỉnh sửa gen người.
Nhóm này đang nghiên cứu các gen mà phôi thai người cần có để phát triển thành công, với mong muốn tăng cường hiểu biết về thời gian đầu khi phôi thai mới hình thành.
Nhóm đang phân tích những quả trứng vừa được thụ tinh và quan sát quá trình phát triển của chúng trong 7 ngày liên tục: từ một tế bào đơn lẻ phát triển thành một túi phôi có hơn 250 tế bào. Bằng sự trợ giúp của kỹ thuật chỉnh gen, các nhà nghiên cứu sẽ có thêm hiểu biết về DNA, từ đó xác định được đâu là một DNA cho một bào thai khỏe mạnh. Dựa trên thông tin này, các chuyên gia y tế có thể hoàn thiện được quá trình thụ tinh trong ống nghiệm, đề xuất thêm phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn hiệu quả hơn.
Các nhà khoa học nói rằng các kỹ thuật chỉnh sửa gen một ngày nào đó có thể dẫn đến phương pháp điều trị cho HIV/AIDS, hoặc bệnh do di truyền như bệnh tế bào hình lưỡi liềm.
Bà Niakan, thuộc Viện nghiên cứu Francis Crick, cho biết nhóm của bà có kế hoạch sử dụng các gen được chỉnh sửa để phân tích sự tăng trưởng trong tuần đầu tiên của phôi.
Nghiên cứu này sẽ "tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về tỷ lệ thành công của việc thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách nghiên cứu giai đoạn rất sớm của sự phát triển phôi thai" - giám đốc Viện Francis Crick, ông Paul Nurse, nhận định.
Cần tuân thủ pháp luật
Tuy cơ quan chức năng đã cho phép nghiên cứu được tiến hành, vẫn cần phải có thêm một sự "chấp thuận về mặt đạo đức" trước khi dự án chính thức được thực hiện. Nhóm nghiên cứu cho biết họ chỉ sử dụng những phôi thai thừa ra trong quá trình điều trị thu tinh trong ống nghiệm do các bệnh nhân hiến tặng. Theo quy định, các phôi thai được chỉnh sửa gen sẽ chỉ dành cho mục đích nghiên cứu khoa học, và các nhà khoa học sẽ vi phạm pháp luật nếu cấy ghép vào cơ thể phụ nữ.
Từ trước đến nay các nghiên cứu tiến hành trên gen người luôn là một chủ đề nhạy cảm trong giới khoa học. Một số nhà khoa học cho rằng đây là một bước phát triển tất yếu của y học, trong khi không ít người lo ngại "bước tiến khoa học" này có thể dẫn tới những đứa trẻ được "thiết kế" ra một cách "phi tự nhiên" trong tương lai.
Kỹ thuật chỉnh sửa gen đã từng được các nhà khoa học Anh áp dụng để cứu mạng người, cụ thể là chữa cho một đứa trẻ mắc bệnh bạch cầu kháng thuốc bẩm sinh. Vì vậy người ta tin rằng thí nghiệm lần này sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt y học, giúp cứu sống hàng triệu tính mạng trong tương lai.