TIN LIÊN QUAN | |
Bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý tại Anh | |
“Vũ điệu” vàng và Brexit |
Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa, người dân Anh sẽ quyết định việc “đi hay ở” của “xứ sở sương mù” đối với Liên minh châu Âu (EU) - một sự kiện mang tầm thế kỷ của người dân châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ II kết thúc.
Những lý lẽ để thuyết phục cử tri đều đã được cả phe ủng hộ Brexit (Anh rời EU) lẫn phe phản đối đưa ra. Các cuộc tranh luận gay gắt về thiệt hại và lợi ích của Brexit cũng đến hồi kết. Tuy nhiên, hầu như chưa thể dự đoán được kịch bản cuối cùng bởi vấn đề “ra đi” hay “ở lại” vẫn gây chia rẽ tại nước Anh. Trong suốt thời gian qua, tỷ lệ ủng hộ và phản đối liên tục thay đổi và gần như không chênh lệch đáng kể.
Quan điểm trái ngược
Trước khi Thủ tướng Anh David Cameron công bố tiến hành cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23/6 để người dân tự quyết định có tiếp tục hay thôi làm thành viên EU, trong xã hội Anh đã tồn tại hai luồng dư luận trái ngược nhau về liên minh mà Anh đã đứng chung trong hơn 4 thập niên qua.
“Cuộc chiến” biểu ngữ trên ban công hai nhà hàng xóm tại London, Anh. (Nguồn: Reuters) |
Những người Anh ủng hộ chuyện rời EU cho rằng liên minh đã kìm hãm sự phát triển của Anh khi ban hành quá nhiều luật lệ, can thiệp quá sâu vào công việc của các nước thành viên. Hằng năm, Anh phải đóng góp hàng tỷ Bảng Anh cho EU trong khi sự hỗ trợ nhận lại thì rất ít ỏi. Họ muốn Anh giành lại quyền kiểm soát biên giới và hạn chế dòng người từ các nước EU khác đến đây sinh sống hay làm việc, hưởng những tiện ích công cộng và chế độ an sinh xã hội.
Trong khi đó, phe chọn “ở lại” cho rằng Anh được lợi nhiều khi duy trì tư cách thành viên EU như quan hệ thương mại với các nước trong khối EU dễ dàng hơn. Về vấn đề người nhập cư, họ cho rằng đa số người nhập cư là người trong độ tuổi lao động và muốn đến Anh làm việc. Do vậy chính những người nhập cư giúp duy trì sự phát triển kinh tế và guồng máy dịch vụ công hoạt động. Họ cũng cho rằng uy tín của Anh sẽ bị ảnh hưởng nếu rời khỏi khối và nước Anh sẽ an toàn hơn khi là một thành phần trong 28 nước thay vì đứng lẻ loi.
Những rủi ro khó lường
Giải quyết bài toán nhập cư chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với Chính phủ của Thủ tướng Cameron, người từng tuyên bố sẽ đưa lượng nhập cư ròng hàng năm (chênh lệch giữa số người đến Anh sinh sống với số người rời nước Anh) xuống vài chục nghìn, nhưng trên thực tế con số này là hơn 333.000 người vào năm 2015. Sự phát triển của các cộng đồng người nhập cư đã gây tâm lý bất mãn đối với một bộ phận không nhỏ người Anh để từ đó hình thành những đảng có quan điểm chống nhập cư như “Nước Anh trước hết” (Britain First) hay đảng Độc lập Anh (UKIP) chống cả nhập cư lẫn EU.
Giới quan sát có chung nhận định rằng, nếu rời EU, Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro mất đi sức mạnh quốc tế khi rời khỏi liên minh thương mại vững mạnh. Đổi lại, họ sẽ được tự do trong đàm phán các hiệp định thương mại với các nước ngoài EU. Bên cạnh đó, việc Anh rời EU theo cách nào sẽ phụ thuộc vào các điều khoản sau khi nước này đàm phán với liên minh, đặc biệt là liệu Anh có còn được phép tự do bước vào thị trường chung châu Âu để hưởng miễn thuế và các dịch vụ tài chính nữa hay không.
Phần lớn chuyên gia kinh tế đều muốn Anh ở lại EU và cho rằng nếu ra đi, tốc độ tăng trưởng của Anh sẽ sụt giảm, đồng Bảng suy yếu và trung tâm tài chính London sẽ chịu nhiều thiệt hại. Ngay cả những người ủng hộ việc Anh ra đi cũng phải thừa nhận những tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn từ quyết định này. Họ nói rằng Anh sẽ phát triển hơn, nhưng phải đợi tới năm 2030.
Toan tính của người Anh
Có ý kiến cho rằng, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, người dân Anh nhiều khả năng sẽ được “lợi đơn lợi kép”. Người Anh vốn rất bàng quan trước thời cuộc nếu nó không ảnh hưởng trực tiếp tới mình. Tuy nhiên, khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng thì người Anh không hề “phớt Ăng-lê” mà lại cực kỳ thực dụng. Trong trường hợp Brexit không xảy ra, quyền lợi của người dân Anh sẽ phải được cải thiện nhiều hơn qua chính sách của chính phủ, bởi vì quyết định của họ đã “cứu” nước Anh không phải rời “ngôi nhà chung”.
Với EU, người dân Anh chắc chắn sẽ được “để mắt” tới nhiều hơn với những quyền lợi to lớn. Cho dù không có quy chế đặc biệt, rất có khả năng nhiều quyền lợi sẽ được đặc cách cho người dân “xứ sở sương mù” sau “None Brexit”. Vì vậy, khi EU đang chờ đợi kết quả của “giờ G” thì lựa chọn của người Anh vẫn tỏ ra khó đoán, bởi động thái đó càng khiến cho lợi ích của họ có cơ hội được gia tăng.
Liệu đa số cử tri Anh sẽ đánh dấu vào dòng “Vẫn là một thành viên EU” hay dòng “Rời khỏi EU”? Câu trả lời chỉ có thể có được sau 21h ngày 23/6 (giờ Anh), khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa và công tác kiểm phiếu bắt đầu. Nước Anh, EU và thế giới đang "nín thở" chờ đợi thời khắc quyết định mang tính lịch sử này.
Anh: Ráo riết vận động đến phút chót Cả hai phe ủng hộ “ở lại” và “rời đi” đều nỗ lực vận động ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân để quyết ... |
"Brexit" và bài học cho ASEAN ASEAN đang đứng trước những nguy cơ khủng hoảng tiềm ẩn nếu không chứng tỏ được giá trị thực tế của mình. |
Nước Anh trước "giờ G" Một ngày nữa là người Anh sẽ phải quyết định "đi hay ở" EU. Tỷ lệ ủng hộ và phản đối liên tục thay đổi ... |