📞

Nước đến chân vẫn chưa nhảy

16:53 | 06/11/2009
Cách đây hơn 1 tháng, bão số 9 (Ketsana) càn quét miền Trung đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cả về nhân lực và vật lực. Một chiến dịch ủng hộ rộng khắp cả trong và ngoài nước hướng tới đồng bào miền Trung đã diễn ra. Trong khi chiến dịch này còn chưa kết thúc thì cơn bão số 11 (Mirinae) lại tràn vào khu vực này và với mức độ tàn phá khủng khiếp không kém. Tính đến ngày 5/11, bão số 11 đã làm hơn 100 người chết và mất tích...
Cách đây hơn 1 tháng, bão số 9 (Ketsana) càn quét miền Trung đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cả về nhân lực và vật lực.  Một chiến dịch ủng hộ rộng khắp cả trong và ngoài nước  hướng tới đồng bào miền Trung đã diễn ra. Trong khi chiến dịch này còn chưa kết thúc thì cơn bão số 11 (Mirinae) lại tràn vào khu vực này và với mức độ tàn phá khủng khiếp không kém. Tính đến ngày 5/11, bão số 11 đã làm hơn 100 người chết và mất tích...

Một câu hỏi đặt ra, tại sao số người chết và mất tích lại lớn như vậy trong khi trước đó Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương đã có những thông báo rất sớm. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự biến đổi tai quái về đường đi, sức mạnh của cơn cuồng phong, nhưng trước hết phải khẳng định, một phần đó là lỗi chủ quan của con người.

 

Thứ nhất, đó là công tác dự báo. Lần trước, tâm bão Ketsana được dự báo sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng nhưng trên thực tế bão đã xoáy vào Bình Định. Còn đối với Mirinae, bão được cho là trở thành áp thấp nhiệt đới khi đổ bộ vào bờ. Cả hai dự báo đã không chính xác bởi trong trường hợp Ketsana, bão đã chuyển tâm gần cả trăm km khi vào bờ, còn đối với cơn bão sau, nó vẫn duy trì sức tàn phá của một cơn bão nhiệt đới chính hiệu chứ không phải áp thấp.

 

Tiếp đó là thái độ ứng phó của các cấp và cả người dân trước thiên tai. Lần trước, lãnh đạo một số tỉnh cho rằng không cần phải di tản dân nhiều bởi chi phí tốn kém nếu tâm bão không vào tỉnh mình vì đã có một vài lần như vậy. Còn trong cơn bão sau thì cả các cấp chính quyền đến người dân đã không lường hết đươc sức mạnh của các cơn lũ khủng khiếp, nên đã không có sự đề phòng thích đáng.

 

Còn một nguyên nhân nữa mà báo chí đã đề cập, đó là sự tàn phá rừng đầu nguồn, xây dựng tràn lan các nhà máy thuỷ điện ở khu vực này. Truyền hình cho thấy bạt ngàn gỗ đã bị chặt “đẹp” trôi sông khi Ketsana đi qua. Còn trên hệ thống sông Ba (tỉnh Phú Yên) chỉ dài vài chục km có đến 5 nhà máy thuỷ điện. Về nguyên tắc, khi mưa lũ các đập thuỷ điện phải là trung tâm điều tiết nước lũ để giảm thiểu thiệt hại. Nhưng thực tế hai cơn bão qua, để tránh thiệt hại, có những đập do tích nước từ trước đã xả lũ liên tục gây nên mức độ tàn phá dữ dội hơn nếu không có đập. Nhiều nhà máy thuỷ điện nhỏ hiện nay thuộc về các công ty cổ phần và cổ đông của họ sẽ khó lòng đồng ý với quyết định đóng đập bởi nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản của họ.

 

Người Việt Nam có câu “Nước đến chân mới nhảy” Nước ta nằm trong vùng bão lũ, năm này qua năm khác nên không thể tránh khỏi. Để có thể sống chung với bão lũ, cần rút ra bài học, đừng để “nước đến cổ” mới tính thì đã quá muộn rồi.       

 

Thanh Thu