📞

Nước hoa Chanel No.5, phô-mai Con Bò Cười... những cái tên 100 tuổi và chưa từng bị lãng quên

Kha Ninh 18:58 | 24/12/2020
TGVN. Người ta biết đến hương thơm của Chanel No.5, đã ăn phô-mai Con Bò Cười hay kem vani phủ chocolate, quen dùng từ "robot"... nhưng không phải ai cũng biết những 'cái tên' này đã có tuổi đời gần 100 năm.
Người ta đã quen thuộc với hương thơm của nước hoa Chanel No.5 suốt 100 năm qua. (Nguồn: Getty Images)

Có những thứ được sáng tạo ra và trở thành huyền thoại, đi sâu vào đời sống đại chúng, đến mức thời gian chỉ khiến cho sản phẩm đó, sáng tạo đó "ăn sâu bén rễ" hơn trong đời sống, thay vì bị lãng quên và phai nhạt.

Tròn 100 năm, nước hoa Chanel No. 5 có mặt trên thế giới

Dòng sản phẩm nước hoa đầu tiên của Chanel - Chanel No. 5 đã được cho ra mắt tròn 100 năm trước, tức năm 1921, với dòng quảng bá "nước hoa nữ với mùi hương phụ nữ đích thực". Đó là sản phẩm được tạo ra từ sự hợp tác giữa nhà thiết kế thời trang Coco Chanel và chuyên gia sáng tạo nước hoa Ernest Beaux.

Dòng nước hoa này được đặt tên là No. 5 bởi bà Coco Chanel đã lựa chọn mẫu nước hoa số 5 mà ông Ernest Beaux đưa tới để bà trải nghiệm. Dòng nước hoa Chanel No. 5 có một sức ảnh hưởng ấn tượng đối với văn hóa đại chúng, dù mẫu thiết kế của chai thủy tinh rất đơn giản nhưng giờ đây, nó đã trở thành kinh điển.

Dòng nước hoa này đã thu hút sự quan tâm của cả những nghệ sĩ nổi tiếng như nữ diễn viên Marilyn Monroe lúc sinh thời, đây là dòng nước hoa yêu thích nhất của người đẹp. Hay họa sĩ Andy Warhol, người từng thực hiện tranh in lụa khắc họa diện mạo chai nước hoa trứ danh này.

Phô-mai Con Bò Cười ra đời từ năm 1921

(Nguồn: Shutterstock)

Dòng sản phẩm phô-mai này đã được tung ra thị trường hồi năm 1921 với mong muốn đưa lại cho người tiêu dùng một dòng phô-mai chế biến sẵn với kích thước vừa vặn để tiện mang đi, giá thành tốt và hương vị ngon.

Ông Jules Bel đã bán phô-mai tại vùng Jura (Pháp) kể từ năm 1865 cho tới khi ông qua đời vào năm 1904. Sau đó, con trai ông - Leon Bel tiếp quản công ty của cha và đăng ký thương hiệu Con Bò Cười cũng như bản quyền hình ảnh, phong cách thiết kế sản phẩm giống như những gì chúng ta đã quen thuộc và yêu mến cho tới tận hôm nay.

Công ty điện tử Braun của Đức cũng được thành lập vào năm 1921

Gian hàng của Braun tại hội chợ thương mại điện tử IFA 2018. (Nguồn: Getty Images)

nhãn hiệu chuyên về các sản phẩm vệ sinh răng miệng

Edy's Pie

(Nguồn: Shutterstock)

Năm 1921, Joseph Edy sáng tạo ra thanh kem vani phủ chocolate đầu tiên, ông đã đặt tên cho nó là Eskimo Pie. Đến tháng 6/2020, Dreyer's Grand Ice Cream - công ty hiện đang sở hữu thương hiệu Edy's, tuyên bố họ sẽ đổi tên sản phẩm này thành Edy's Pie để vinh danh người tạo ra chúng.

Năm 1921, bánh quy giòn Cheez-It lần đầu lên kệ siêu thị

(Nguồn: Shutterstock)

100 năm trước, Công ty Green & Green đã chính thức giới thiệu những chiếc bánh quy hình vuông này trên kệ của các siêu thị tại Mỹ. Tuy không xác định rõ được "thời điểm ra đời chính xác" của món ăn nhẹ hấp dẫn này, nhưng công ty bắt đầu sản xuất đại trà trong Thế chiến thứ nhất.

Sau này, Green & Green Company và Cheez-It tiếp tục được mua lại bởi nhiều công ty khác nhau như Sunshine Foods (vào năm 1932) và Keebler (vào năm 1996).

Hiện món ăn nổi tiếng này vẫn được sản xuất bởi Công ty Kellogg - doanh nghiệp đã mua lại Keebler vào năm 2001.

Máy phát hiện nói dối đầu tiên được sáng tạo vào năm 1921

Một thử nghiệm được đưa ra vào năm 1939. (Nguồn: Getty Images)

Cảnh sát kiêm chuyên gia sinh lý học John A. Larson sinh sống và làm việc tại bang California, Mỹ, đã sáng tạo ra thiết bị này với hy vọng có thể phát hiện ra những thay đổi trong huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, nhằm phát hiện ra khi nào một người đang nói dối.

Dù vậy, không thể xem ông Larson là người duy nhất sáng tạo ra thiết bị này bởi trước ông đã có nhiều nhà tâm lý học cũng đã nghiên cứu về các thay đổi của cơ thể khi một người đang nói dối. Ông John A. Larson đã chế tạo cỗ máy phát hiện nói dối, bao gồm cả kế thừa và phát triển những kiến thức đã được nghiên cứu từ trước đó.

Từ "robot" lần đầu được sử dụng vào năm 1921

Karel Capek (1980-1938) - nhà văn Tiệp Khắc vĩ đại nhất thế kỷ 20. (Nguồn: Getty Images)

Tiểu thuyết gia, kiêm biên kịch người Czech - ông Karel Capek là người đầu tiên sử dụng từ "robot" vào năm 1921.

Ông Capek sử dụng từ "robot" phát triển từ một từ trong tiếng Czech - "robota" với ý nghĩa "lao động bắt buộc". Ông Capek đã sử dụng từ này trong một vở kịch viết năm 1921 có tên "Rossum's Universal Robots".

Trong vở kịch ấy, các robot không phải được làm từ kim loại và là các cỗ máy như chúng ta vẫn quen thuộc ngày nay, mà được làm từ các loại bột hóa chất và có diện mạo gần giống như con người.

(tổng hợp)