Tại ngoại ô Hạt Mecosta, Michigan, tọa lạc một cơ sở kín đáo, với diện tích tương đương Cung điện Buckingham của Anh. Đây chỉ là một trong số 100 nhà máy nước uống đóng chai của Nestlé tại 34 nước trên khắp thế giới. Công suất của một nhà máy lên tới 3,5 triệu chai nước một ngày. Khoảng 60% nguồn cung của Nestlé là từ nước ngầm, nước suối tại Mecosta nối đến nhà máy thông qua đường ống kéo dài 20 km. Nestlé chính thức đi vào hoạt động từ 1843 dưới sự dẫn dắt của Henri Nestlé - “nhà khoa học luôn tìm tòi và thử nghiệm cách làm giàu chất khoáng trong nước với mục tiêu duy nhất: cung cấp thức uống lành mạnh, dễ tiếp cận và ngon miệng”, theo trang web của Nestlé.
Ngày nay, trên thế giới có hàng nghìn công ty nước khoáng, nhưng Nestlé là công ty lớn nhất với doanh thu lên tới 7,7 tỷ USD. Trong số hơn 50 thương hiệu như Perrier, S.Pellegrino, La Vie... tại Mỹ, doanh số nước đóng chai của Nestlé năm 2017 đạt 16 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua mặt hàng nước giải khát.
Dường như, người dân Mỹ đang tìm đến các lựa chọn tiện lợi và có lợi cho sức khỏe hơn. Một phần là do những lo ngại về sự an toàn thực sự của nước máy sau vụ việc nguồn nước nhiễm bẩn tại Flint, Michigan và do các nhà máy lọc nước của Mỹ đang dần trở nên lạc hậu khi không thể nào lọc hết được các tạp chất như chì, nitrate, phân bón và thuốc trừ sâu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg) |
Thu lợi từ chính quyền
Hoạt động tại Michigan chỉ là một phần nhỏ của Nestlé. Tuy nhiên, nó giúp làm sáng tỏ cách Nestlé thống trị ngành công nghiệp đầy tai tiếng này bằng cách đi từ từng nguồn nước ngầm, nhất là đến các vùng có điều kiện kinh tế thấp với những hứa hẹn về phát triển việc làm và xây dựng cơ sở hạ tầng để đổi lại các khoản giảm thuế và được tiếp cận nguồn tài nguyên khan hiếm với hàng triệu người.
Ngoài những chi phí bình thường trong kinh doanh như vận chuyển, cơ sở vật chất và lương, Nestlé hầu như không phải bỏ ra chút vốn nào đáng kể để lấy nguồn nước từ thiên nhiên đem đóng chai, do mức phí của chính quyền đặt ra quá mềm. Ở Michigan, Nestlé chỉ mất 200 USD để khai thác nguồn nước. Ở San Bernardino, California, Nestlé chỉ phải trả phí hàng năm có 524 USD trong suốt nhiều năm nay để khai thác tới 115.000 m3 nước, kể cả khi hạn hán xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ sinh thái tự nhiên tại đây.
Không dừng lại ở đó, vào năm 2005, Nestlé đã hứa hẹn với chính quyền thành phố Evart, thuộc Hạt Osceola, nằm cạnh Hạt Mecosta, để tài trợ xây dựng mới một sân thi đấu softball (bóng chày thu nhỏ) gồm đầy đủ cơ sở vật chất, rộng 5,6 ha dành cho đội tuyển của trường trung học tại đây và đồng ý tài trợ hàng loạt những dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác nhằm đổi lại việc khai thác nguồn nước ngầm trong thành phố. Hiện nay, Nestlé đã được cấp phép tăng gấp đôi tỷ lệ bơm của mình ở giếng gần Evart, lên tới 1,5 m3 nước/phút, mức độ mà chính quyền Hạt Mecosta cho rằng gây hại tới nguồn nước ngầm. Dường như, Cục Chất lượng Môi trường Michigan (DEQ) đã “bật đèn xanh” mà không cần trưng cầu dân ý.
So với nhu cầu nông nghiệp và sản xuất điện, kinh doanh nước đóng chai chỉ tiêu tốn khoảng 1% tổng lượng nước được sử dụng tại Michigan, theo số liệu của DEQ. Nhưng nó lại gây bất bình với người dân vì việc nguồn nước tự nhiên, lấy tại chính nơi họ sinh sống nhưng không được sử dụng để phục vụ cho cuộc sống của họ mà lại lấy làm tư lợi cá nhân. Ngoài ra là những vấn đề về ô nhiễm rác thải nhựa...
“Nước không phải là quyền của con người”?
Nestlé không phải công ty sản xuất nước đóng chai duy nhất hoạt động tại Michigan, nhưng lại gây nhiều tai tiếng nhất. Những đối thủ như Pepsi và Coca-Cola khai thác nguồn nước tại Detroit, nhưng trả phí đầy đủ cho chính quyền địa phương, rồi lại bán lại sản phẩm tại Detroit để lấy lãi và chính quyền vẫn thu được tiền thuế. Nó trở thành một vòng cộng sinh hoàn toàn hợp lý.
Tại Hạt Mecosta, Nestlé hút trực tiếp nước suối thẳng tại nguồn, các nhà bảo tồn nước cho biết điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới dòng chảy của các con suối, sông và hệ sinh thái đất ngập nước. Nestlé lại phản bác rằng, nguồn cung cấp nước tại các địa phương đến từ nhiều nguồn khác nhau, do đó hoạt động dù có gây cạn kiệt lớn đến mấy, cũng không để lại nhiều hậu quả. Ông Nelson Switzer, Giám đốc về sự bền vững của Nestlé, cho biết: "Nước là nguồn tái tạo. Miễn là có sự quản lý tốt, nước sẽ mãi mãi chảy.”
Trước đó, Nestlé đã gặp phải không ít sự phản đối từ công chúng bởi những phát ngôn không mấy hay ho từ chính người đứng đầu. Ông Peter Brabeck-Letmathe, cựu CEO của Nestlé, đã gây ra phản ứng dữ dội khi xuất hiện trong một bộ phim tài liệu, nói rằng: “Quan điểm của các tổ chức phi chính phủ - mà tôi cho rằng khá cực đoan - rằng nước phải được tuyên bố là quyền cơ bản của con người”. Tuy vậy, ông Brabeck-Letmathe sau đó đã phản biện lại rằng phát ngôn của ông được trích ra không đúng bối cảnh và nước thực sự là quyền lợi của con người. Thậm chí, ông còn đề xuất rằng mọi người được tiếp cận miễn phí 30 lít nước mỗi ngày và phải trả tiền nếu sử dụng quá số lượng đó.
Về phần mình, người dân Michigan đang phải đấu tranh trong một cuộc chiến mà họ gần như nắm chắc phần thua. Một phần vì lợi ích Nestlé đem lại cho chính quyền là quá lớn, phần còn lại vì người dân không đủ tiềm lực kinh tế để chống lại một tập đoàn khổng lồ như vậy. Thế nhưng, bà Peggy Case, Chủ tịch Tổ chức Công dân Michigan về Bảo vệ Nước, cho biết bà và những người cùng chí hướng sẽ chiến đấu tới cùng cho dù kết quả ra sao, để chống lại sự bất cập trong việc sử dụng nguồn nước, vốn là quyền sử dụng chung của người dân đang bị Nestlé lạm dụng một cách thái quá.