📞

Nước mắt của các “hoàng đế nhỏ”: Kỳ cuối: Áp lực kinh hoàng!

14:44 | 15/07/2008
Thực tế, không phải chỉ Tường, mà học sinh Trung Quốc bắt đầu cảm thấy thực sự mệt mỏi trong cuộc cạnh tranh dữ dội này. Ở Bắc Kinh, tình trạng này đã được coi là một trong những vấn đề xã hội...

Học, học và… học

 

Nhằm tìm hiểu các học sinh ưu tú của Trung Quốc được bồi dưỡng như thế nào, nhóm làm phim đã chọn đến nhà Hứa Vĩ Sam. Nhà Sam cách trường khoảng 30 phút đi ôtô. Cha cậu là người kinh doanh, hàng ngày tự lái xe du lịch cao cấp kiểu Đức đưa, đón con đi học. Công việc buôn bán bận rộn, nhưng vẫn thu xếp được thời gian để tự đưa đón con đi học như cha của Sam là việc nhiều ông bố không làm được.

 

Mặc dù mới học tiểu học, song cha mẹ Sam đã chọn trước cho con trai cả trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, thậm chí hướng cho con những trường đại học hàng đầu nào nên thi vào. Hứa Vĩ Sam sống trong gia đình như vậy, đương nhiên có tác động rất lớn đến thành tích học tập của cậu. Tuy nhiên, do cậu học trái tuyến, nên không có bạn học ở gần nhà và cậu cũng không có thời gian để chơi đùa với những đứa trẻ hàng xóm. Điều này không tốt cho sự trưởng thành trong tương lai. Nhưng cha mẹ Sam không nghĩ như vậy, mà chỉ lặp đi lặp lại câu “học giỏi là được”.

 

Sau Sam, nhóm quay phim đến nhà Tiền Hồng Tường. Cha mẹ Tường dặn con không được chơi với những bạn học kém. Từ nhà Tường chỉ cần đi bộ 15 phút là đến trường. Mẹ Tường làm công nhân ở một nhà máy cơ điện. Vừa đi học về đến cửa, mẹ Tường đã nhắc ngay: “Hôm nay bài vở có nhiều không? Làm ngay đi nhé!” Cậu bé không nói câu nào, ngồi ngay vào bàn, bắt đầu làm bài. Làm nhiều bài ở nhà là đặc điểm chung của cấp tiểu học ở Trung Quốc, mỗi ngày phải dành ra 3 giờ để làm bài. Cứ 10 phút, bà mẹ lại đến xem con làm bài đến đâu và kiểm tra xem có nhầm lẫn gì không. Cha mẹ cậu đã có sự phân công: mẹ chịu trách nhiệm phụ đạo môn văn và tiếng Anh, còn cha phụ trách môn toán. Nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ, chắc tiến độ làm bài của cậu sẽ chậm lại, thậm chí làm không hết.

 

6 giờ rưỡi chiều, cha Tường mới đi làm về. Ông làm nhân viên ở một khách sạn nhỏ. Cha về là cả nhà ăn tối, câu chuyện trong bữa ăn phần nhiều là chuyện học tập của Tường. Ăn xong, Tường lại về bàn tiếp tục học, cha phụ đạo môn toán. 10 giờ 30, Tường mới được đi ngủ. Như vậy, cậu bé không có thời gian chơi, dường như lúc nào cũng bò trên bàn với bài vở.

 

Học cho mình?

 

Vì sao các bậc cha mẹ lại coi trọng việc học tập của con cái mình như vậy? Cha mẹ Tường trước đây đều làm việc tại xí nghiệp nhà nước, sau này lần lượt bị giảm biên chế, nên suốt đời không ngừng tìm việc để duy trì cuộc sống. Họ ở vào trạng thái không ổn định, không biết lúc nào lại “mất bát cơm”.

 

Thúc giục con học bài, nhưng mẹ Tường cũng xót con: “Lúc bé tôi không có nhiều bài tập như thế này và cũng không khó. Bây giờ học sinh tiểu học mà học những cái trước đây học sinh trung học cơ sở mới học. Lơi lỏng một chút là không thể cạnh tranh với bạn”.

 

Mẹ Tường phân trần: “Chúng tôi thường xuyên phải đi tìm việc làm, vì thế rất mong con thi đỗ vào một trường đại học, để sau này có một việc làm ổn định. Do chính sách “một con” ở Trung Quốc, nên con cái thành công là 100% thành công, nếu thất bại cũng là 100% thất bại. Nếu con thành công sẽ là nhân tài của xã hội, còn nếu thất bại sẽ là gánh nặng của gia đình. Vì vậy, cha mẹ giúp đỡ con cái học hành cũng phải chịu thử thách. Từ suy nghĩ đó, cạnh tranh bắt đầu từ lúc tôi còn bế nó trên tay”.

 

Còn với học sinh, các em có nghĩ “học là vì mình”? Một ngày thứ Sáu, Tường không đi học, một việc hiếm thấy. Cậu bị sốt cao. Ngày hôm sau, dù là thứ Bảy, khi vừa đỡ sốt, bà mẹ đã giục con làm bài. Thứ Hai đến lớp, Tường ngồi đờ đẫn trong lớp. Hết giờ học, cô giáo hỏi: “Em sao vậy?”. “Em cảm thấy rất mệt” - lần đầu tiên cậu thổ lộ với giáo viên chủ nhiệm lớp suy nghĩ thực của mình - “Cha mẹ và thầy, cô lúc nào cũng nói học là vì chính học sinh, nên học sinh nào cũng làm ra vẻ thích học đấy thôi”.

 

Thực tế, không phải chỉ Tường, mà học sinh Trung Quốc bắt đầu cảm thấy thực sự mệt mỏi trong cuộc cạnh tranh dữ dội này. Ở Bắc Kinh, tình trạng này đã được coi là một trong những vấn đề xã hội. Kết quả điều tra của Trung Tâm nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc cho thấy 60% học sinh tiểu học cảm thấy áp lực trong học tập. Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm, đã đề xuất giảm nhẹ gánh nặng cho học sinh, nhưng xem ra vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa hiện trạng giáo dục ở Trung Quốc với chủ trương của Chính phủ.

 

Phương Anh (Theo Tân Hoa xã)