📞

Nước mắt của các “hoàng đế nhỏ”(kỳ 1)

09:22 | 07/07/2008
Học sinh tiểu học Trung Quốc ngày nay đang suy nghĩ và cảm nhận những gì? Xem Học sinh lớp 5A - nước mắt của “hoàng đế nhỏ” sẽ hiểu điều này.

Bộ phim tài liệu Học sinh lớp 5A - nước mắt của “hoàng đế nhỏ” do hãng NHK Nhật Bản thực hiện trong vòng 2 tháng, lấy bối cảnh quay là lớp 5A của một trường tiểu học tương đối lớn (1.800 học sinh) tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

 

Đầu tiên, những người thực hiện chương trình đặt một câu hỏi với lớp 5A: “Vì sao các em phải học?”. Điều khiến họ kinh ngạc là có tới 15 em trong tổng số 54 học sinh đồng thanh trả lời: “Nếu không học tập tốt, tương lai sẽ thành kẻ lang thang, không tìm nổi việc làm”. Mới 11 tuổi đầu, các em đã phải đau đáu lo chuyện tương lai. Nếu nêu câu hỏi như vậy với học sinh tiểu học Nhật Bản, chắc hẳn câu trả lời sẽ không như thế.

 

Tranh cử lớp trưởng cũng...  khốc liệt

 

Đầu tháng 9/2007 khi niên học vừa mới khai giảng, lớp 5A tiến hành bầu lớp trưởng. Điều làm người ta ngạc nhiên là ở Trung Quốc, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng tham gia bỏ phiếu bầu lớp trưởng. Lớp 5A có 8 học sinh tham gia tranh cử. Các ứng cử viên lên trước lớp thể hiện sở trường và tài năng của mình, sau đó các bạn và các bậc phụ huynh sẽ bỏ phiếu. Các ứng cử viên đã “hùng biện” đại loại như: “Tôi là một siêu nhân, biết học tập, không có gì là không làm được”, “Tôi bảo đảm sẽ nâng cao thành tích học tập của mọi người để cho lớp của chúng ta trở nên ưu tú hơn nữa. Tôi kỳ vọng vào sự ủng hộ của mọi người”…

 

Mỗi ứng cử viên đều phải nỗ lực hết mình để bộc lộ tối đa năng lực của mình. Thậm chí, kể cả việc bỏ phiếu cũng khác. Ở Nhật, để tránh những va chạm giữa các học sinh sau này, người ta thường tổ chức bỏ phiếu kín. Nhưng ở Trung Quốc, hòm phiếu để trước mặt từng ứng cử viên, nếu bạn lựa chọn ứng cử viên nào thì bỏ phiếu vào thùng phiếu ngay trước mặt của ứng cử viên đó. Tóm lại, trong trường hợp này, ai bỏ phiếu cho ai hay ai nhiều phiếu hơn thì chỉ cần nhìn là biết, đâu cần phải chờ công bố kết quả. Những học sinh được ít phiếu bầu đã ứa những giọt nước mắt xót xa, buồn phiền và thừa nhận “năng lực của mình còn chưa đủ”. Cô giáo Dương, chủ nhiệm bắt đầu từ lớp 1, dường như cổ xúy hình thức này, nói: “Đây là một cuộc bầu cử quan trọng, cạnh tranh trong xã hội hay cạnh tranh ở đây hoàn toàn không khác gì, vô cùng khốc liệt”.

 

Gắng học để không bị bắt nạt!

 

Tất nhiên, đối với học sinh, điều quan trọng nhất là thành tích học tập. Nhà trường cứ hai tuần kiểm tra một lần, mỗi năm tiến hành hai lần thi cuối học kỳ. Nhà trường phát bản thành tích cho mỗi học sinh, cha mẹ đọc là biết được thứ tự xếp hạng của con mình. Họ thường xuyên so sánh con mình với các học sinh khác, nên học sinh không thể không quan tâm tới điểm số của mình.

 

Một hôm, lớp trả bài kiểm tra toán. “Ôi, có một câu bị sai rồi!”, học sinh nói to câu đó là Tiền Hồng Tường. Thành tích học tập của em vào loại trung bình, toán học tương đối kém. Nhưng lần kiểm tra này, Tường được 91 điểm (Trung Quốc chấm điểm theo thang điểm 100). Đối với cậu, đây là một điểm cao mong chờ đã lâu. Nhìn điểm số, em không dám tin, phải tự cấu mình một cái, cảm thấy đau, mới biết không phải là nằm mơ. Tường rất nể trọng lớp trưởng Hứa Vĩ Sam, luôn lấy lớp trưởng làm mục tiêu để mình cố gắng. Lớp trưởng được 100 điểm. Mặc dù Tường được 91 điểm, nhưng lớp trưởng vẫn nói thẳng: “Cậu phải cố gắng hơn nữa, phải đạt điểm cao hơn nữa”.

 

Ở lớp học này, thành tích học tập quyết định “đẳng cấp” của mỗi học sinh. Tại các lớp học càng cao, quan niệm này càng thể hiện rõ, thậm chí học sinh còn dùng thành tích học tập để đánh giá nhân phẩm. Học sinh ở các nước khác, dù thành tích có tốt, nhưng vẫn bị bạn bắt nạt, còn ở Trung Quốc không có tình trạng này. Khi học sinh cãi nhau, có học sinh lấy câu “thành tích của tôi tốt hơn cậu” để đe dọa đối phương. Tóm lại, nếu bạn học giỏi, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ bị bắt nạt ở trong lớp.

Phương Anh(theo Tân Hoa Xã)