📞

Nước Mỹ bị đáp trả

09:19 | 19/09/2008
Tháng 9 dường như lại làm nước Mỹ đau đầu. Chưa hết lo lắng và khó chịu trước các động thái chuẩn bị của cuộc tập trận chung sắp tới giữa Nga và Venezuela ngay tại khu vực mà Washington vẫn coi là “sân sau”, Mỹ đối mặt với các đòn giáng trả dồn dập từ chính các nước láng giềng Mỹ Latinh, ở cấp quyết liệt nhất trong quan hệ ngoại giao.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Mỹ với các quốc gia Nam Mỹ bùng nổ ngày 11/9 khi Bolivia ra lệnh trục xuất Đại sứ Mỹ tại nước này vì các hành động “hỗ trợ và kích động các nhóm đối lập ở Bolivia biểu tình bạo loạn gây chết người, phong tỏa các tuyến đường cao tốc và chiếm giữ các tòa nhà của chính phủ”. Venezuela cũng có quyết định tương tự, lệnh cho Đại sứ Mỹ phải rời khỏi Caracas trong vòng 72 giờ. Để ủng hộ Bolivia và Venezuela, Honduras ra tuyên bố từ chối nhận quốc thư do Đại sứ mới của Mỹ trình và trì hoãn vô thời hạn việc trình ủy nhiệm thư.

 

Trước đó, đã có thông tin nói về “cuộc chiến bí mật” của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ở Bolivia, hình thành tại Venezuela năm 2002, và tại Bolivia năm 2004, thông qua việc tài trợ tiền cho các lực lượng đối lập tiến hành các cuộc biểu tình, chống phá chính phủ. Thêm nữa, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ bổ nhiệm ông Philip Goldberg, một chuyên gia về chủ nghĩa ly khai, làm Đại sứ tại Bolivia. Ông này từng có nhiều năm công cán ở Nam Tư cũ. Phản ứng mạnh mẽ của Bolivia nổ ra với cáo buộc Đại sứ Mỹ Goldberg có các hành động ủng hộ phe đối lập biểu tình, bao vây các mỏ dầu lớn, làm ảnh hưởng đến sản lượng khí đốt mà Bolivia đang bán cho nước láng giềng Brazil.

 

Tình hàng xóm giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh từ lâu bị thay thế bằng thái độ hành xử theo kiểu nhất thiết phải nằm trong sự khống chế của Washington. Lối hành xử này vốn có cội rễ từ Học thuyết Monroe cuối thế kỷ XIX, trong đó khẳng định quyền can thiệp của Mỹ chống lại sự xâm nhập của các nước đế quốc châu Âu vào Mỹ Latinh. Đổi lại, phần lớn các nước Mỹ Latinh đều phản đối chính sách Mỹ ở khu vực và quyết tâm giành quyền kiểm soát hoàn toàn mọi công việc của họ.

 

Tổng thống Bolivia Evo Morales nói quyết định trục xuất Đại sứ Mỹ là “sự đóng góp cho cuộc đấu tranh của người bản địa không chỉ ở Bolivia mà ở toàn Mỹ Latinh, những người đã chiến đấu chống các đế quốc trong 500 năm qua”. Chủ tịch Cuba Raul Castro cũng tuyên bố ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Evo Morales, lên án sự can thiệp của Chính phủ Mỹ và khẳng định tình hình bất ổn ở Bolivia phải do chính những người Bolivia tự giải quyết...

 

Xem ra quyết tâm rào giậu lại “sân sau” của Mỹ vốn được khởi động từ năm ngoái khi lấy năm 2007 là “năm can dự” của Mỹ ở Mỹ La tinh không thể làm đẹp thêm hình ảnh Mỹ tại khu vực. Năm nay, Washington lại tiếp tục mất điểm tại khu vực gần gũi về địa lý này. 

 

Phan Nam