Tình trạng lấp lửng
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Không chỉ có vậy, ông đã bỏ mặc chính sách của Mỹ ở tình trạng lấp lửng trong 3 năm tới đến khi Washington chính thức rút khỏi thỏa thuận nói trên. Do vậy, Thomas Shannon, một nhà ngoại giao kỳ cựu sẽ phải dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ tham dự các cuộc hội thảo về việc thực thi một thỏa thuận mà Mỹ dự định từ bỏ.
Tổng thống Trump có thể lấp lửng về chính sách của Mỹ rong 3 năm tới đến khi Washington chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. (Nguồn: AP) |
Phát biểu từ Nhà Trắng ngày 2/6, Tổng thống Donald Trump dẫn các nghiên cứu cho rằng, tham gia vào thoả thuận Paris sẽ khiến nước Mỹ đến năm 2025 mất 2,7 triệu việc làm, khiến một loạt các ngành sản xuất bị sụt giảm. Như thế, nước Mỹ phải hy sinh quá nhiều so với các quốc gia khác cũng tham gia thoả thuận.
"Nhằm thực hiện trách nhiệm bảo vệ nước Mỹ và công dân Mỹ, nước Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng sẽ đàm phán để tham gia trở lại hiệp định này hoặc một thoả thuận hoàn toàn mới với các điều khoản công bằng với nước Mỹ", ông Donald Trump cho biết.
Alden Meyer, thành viên của Liên đoàn các nhà khoa học môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chuyên hoạt động về các vấn đề môi trường nhận định, đây là một hoàn cảnh lạ lùng, ông chưa từng nghĩ là sẽ gặp phải tình huống này trong nhiều năm theo tiến trình của Thỏa thuận.
Chính quyền của Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục mổ xẻ vấn đề với hy vọng bảo vệ lợi ích của người Mỹ và đặt "nước Mỹ trên hết". Tham vọng hơn, Washington muốn vô hiệu hóa những đối thủ lớn về địa chính trị bằng những cam kết của mình.
Trao đổi với AFP, một quan chức của Nhà Trắng cho biết nước Mỹ muốn đảm bảo những quy tắc minh bạch, công bằng, và áp dụng cả với các nước như Trung Quốc cũng như các nền kinh tế cạnh tranh khác đối của Mỹ. Song, chính Shannon và những người trong phái đoàn của ông có lẽ cũng tự cảm thấy họ không có một lập trường vững chắc. Trong khi đó, Ben Rhodes, cố vấn của cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng Washington đã từ bỏ những lợi thế mà nước này từng có.
Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại COP21. (Nguồn: UN News Center) |
Khoảng lùi khá rộng
Nhiều đại biểu vẫn hy vọng rằng vào thời hạn chót là ngày 4/11/2020, một ngày sau khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thứ 46, ông Trump có thể lại rút lại cam kết trước đó hoặc tổng thống mới kế nhiệm ông sẽ thực thi thỏa thuận này.
Nhà Trắng đã tự cho mình một khoảng lùi khá rộng, tuyên bố rằng Mỹ dự định rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu "trừ khi tổng thống có thể nhận thấy có những điều khoản đem lại thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp, giới lao động và những người đóng thuế Mỹ".
Thông báo đó mở ra một phạm vi rộng lớn những khả năng mà Mỹ sẽ không phá hỏng thỏa thuận, bao gồm cả việc giảm quy mô kế hoạch quốc gia của Obama nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong phạm vi từ 26-28% vào năm 2025 so với hạn mức của năm 2005. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các nhân vật ở Mỹ nhiệt tình ủng hộ thỏa thuận này đều không ở trong chính quyền của Tổng thống Trump.
Nhà tỷ phú Michael Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York là người dẫn đầu trong phong trào ủng hộ Thỏa thuận Paris, khẳng định sẽ tìm cách giúp thực thi các cam kết của Mỹ bất chấp quan điểm của Nhà Trắng là như thế nào. Nhà khoa học Meyer cho rằng, đó là một kiểu động lực mới. Mỹ đã không có động lực như vậy khi Tổng thống Bush tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Kyoto về biến đổi khí hậu năm 2001. Vấn đề quan trọng là liệu họ có thể duy trì nhiệt huyết đó trong 3 năm tới hay không.