📞

Nước Pháp có đang “xoay trục” và "trở về" với châu Phi?

11:16 | 14/03/2019
Nhận định của Báo TG&VN về chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron tới châu Phi, được cho là nỗ lực khẳng định cam kết của Paris đối với lục địa đen trong khi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại đây.

Theo một số quan chức, Tổng thống Emmanuel Macron tin rằng Trung Quốc đang cố gắng định hình trật tự thế giới theo hướng có lợi cho mình. Chuyến công du châu Phi diễn ra chỉ hai tuần trước khi nhà lãnh đạo 42 tuổi thăm chính thức Bắc Kinh và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Do đó, việc chọn Djibouti, nơi có căn cứ quân sự của Bắc Kinh, làm điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình thăm châu Phi là cách ông Macron gửi một thông điệp tới Trung Quốc.

Dù chỉ có diện tích tương đương với tiểu bang New Jersey (Mỹ), Djibouti lại có vị trí địa chiến lược quan trọng khi nằm ngay bên bờ tuyến hàng hải nối giữa châu Á và kênh đào Suez. Ước tính, có khoảng 4,8 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày qua eo biển Bab el Mandeb tiếp giáp lãnh hải quốc gia này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Djibouti Ismail Omar Guelleh trong cuộc gặp ngày 12/3. (Nguồn: AFP)

Quan trọng hơn, kiểm soát khu vực Djibouti đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ dễ dàng nắm bắt mọi hoạt động của Mỹ tại châu Phi, đồng thời tạo điều kiện triển khai chiến lược “Vành đai và con đường”. Với tư cách là một quốc gia từng “ngự trị” tại Djibouti và hơn 1.500 lính đồn trú, Pháp sẽ không để điều này xảy ra.

Ngày 11/3, ông Macron đã hội đàm với người đồng cấp Djibouti Ismail Omar Guelleh. Tổng thống Macron khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ nền kinh tế quốc gia châu Phi, còn ông Omar Guelleh cũng kêu gọi Pháp tăng cường đầu tư vào Djibouti. Lãnh đạo nước chủ nhà hi vọng rằng với sự quan tâm trở lại của Paris, Djibouti sẽ trở thành một “Dubai mới”, cạnh tranh với các cảng biển tấp nập khác ở châu Phi. Tuy nhiên, quốc gia này cần phải duy trì sự độc lập và tự chủ về chính trị, tiến tới xóa những khoản nợ mà tới 77% đến từ Trung Quốc.

Ngày 12/3, nhà lãnh đạo Pháp đã tiến hành thăm chính thức Ethiopia tại Lalibela, nơi từng là Thủ đô của quốc gia này 800 năm trước và vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới, gặp gỡ Thủ tướng Abiy Ahmed và Tổng thống Sahlework Zewde. Đáng chú ý, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ethiopia vừa trải qua thảm họa rơi máy bay kinh hoàng khiến 157 người chết, trong đó có một vài người được xác định của công dân Pháp. Chia sẻ nỗi đau mất mát và mở rộng hợp tác trong đầu tư, phát triển kinh tế là trọng tâm trong cuộc hội thảo của hai bên. Ethiopia đứng đầu danh sách các đối tác thương mại xuất siêu của Pháp, với một số mặt hàng trọng điểm như máy bay Airbus A350 và tân dược. Đổi lại, Pháp nhập cảng nhiều nông sản của Ethiopia.

Việc mở rộng quan hệ với nhiều đối tác, thay vì chỉ với một vài quốc gia như trước đó sẽ góp phần duy trì sự tự chủ về mặt kinh tế và chính trị cho Ethiopia, quốc gia đã vay hơn 12 tỷ USD của Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai thập kỷ.

Cuối cùng, trong ngày 12/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Kenya, gặp gỡ Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, tham dự Hội đồng của Liên hợp quốc về Môi trường. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như tài trợ các chiến dịch của Liên minh châu Phi (AU) tiêu diệt lực lượng nổi dậy al-Shabaab trong khu vực Somalia.

Thêm vào đó, Kenya, với trữ lượng dầu hỏa trù phú, đã là điểm dừng chân của nhiều tập đoàn đa quốc gia và công ty dầu mỏ lớn của Pháp như Bollore Group, NAS Servair, Amethis Finance… Song trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp này đã phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp Trung Quốc, cùng nhiều rắc rối về điều hành kinh doanh. Do đó, thảo luận về tương lai của doanh nghiệp Pháp tại đây là một trọng tâm trong chuyến thăm tới Kenya.

Lịch trình bận rộn là vậy, song những nỗ lực của ông Macron đã được đền đáp khi Pháp khẳng định sự hiện diện trở lại của mình tại Tây Phi, khu vực tưởng chừng đã bị Paris lãng quên.