Trung Quốc đang hướng tới chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ 'nới lỏng hợp lý' cho năm 2025.(Nguồn: CNN) |
Những năm gần đây, Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng kinh tế trì trệ và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm.
Theo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc dự kiến chậm lại còn 4,5% vào năm 2025, từ mức 4,9% vào năm 2024.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này đang hướng tới chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý" cho năm 2025.
Nghiên cứu viên về kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á, bà Lizzi C. Lee nhận định, năm 2025, đất nước tỷ dân sẽ phải đối mặt với những thách thức kinh tế mới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1, với lời cam kết áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Đổi hướng chính sách tiền tệ
Tin liên quan |
Nền kinh tế Trung Quốc cần 'bơm' thêm rất nhiều tiền |
Theo Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tại Hội nghị công tác kinh tế Trung Quốc diễn ra gần đây rằng, nhiệm vụ quan trọng trong năm tới là "thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước".
Bên cạnh đó, chính quyền sẽ tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách, mở rộng phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài và áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải để giảm dự trữ bắt buộc nhằm bảo đảm thanh khoản dồi dào.
Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau 14 năm. Kể từ cuối năm 2010, Bắc Kinh chủ yếu tuân thủ cách tiếp cận thận trọng đối với chính sách tiền tệ.
Nhìn lại phạm vi chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” từ năm 2009 đến năm 2010, có thể thấy nguồn cung tiền của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Khi đó, để đối phó với môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động và vụ ngân hàng Lehman Brothers phá sản, khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ gia tăng, Bắc Kinh đã quyết định thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý".
Từ năm 2011, với mục tiêu ngăn chặn lạm phát, bong bóng giá tài sản, biến động “tiền nóng” và rủi ro tài chính, chính sách tiền tệ đã trở lại giai đoạn “ổn định”.
Ông Wang Guochen, một học giả tại Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua của Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, việc nới lỏng có nghĩa là chính quyền sẽ bắt đầu in nhiều tiền hơn và mua trái phiếu chính phủ với quy mô lớn hơn vào năm tới.
Hồi tháng 9/2024, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19, giải phóng khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng.
Đến tháng 11/2024, Bộ tài chính nước này đã đưa ra kế hoạch tài trợ nợ trị giá 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,4 nghìn tỷ USD) để giảm bớt áp lực cho chính quyền địa phương.
Bà Lizzi C. Lee cho biết, các biện pháp cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng hành động nhiều hơn.
Ông Wang thì nhận thấy, bất chấp việc nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất, người dân Trung Quốc vẫn thích tiết kiệm hơn chi tiêu vì họ bi quan về tương lai.
Người tiêu dùng mua hàng tại một chợ ở Quảng Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Thị trường bất động sản đóng vai trò then chốt
Các mục tiêu tăng trưởng thực tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ được công bố vào mùa Xuân năm sau sau.
Năm nay, Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 5%. Dựa trên dữ liệu chính thức từ ba quý đầu tiên của năm, việc đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế dự đoán, chính phủ Trung Quốc có thể đặt mục tiêu tương tự cho năm 2025.
Bà Lee nhận thấy, mặc dù mục tiêu 5% không phải ngoài tầm với, nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có hành động quyết liệt, đặc biệt là ở vấn đề quản lý tài sản.
Ngoài ra, thị trường bất động sản liên quan đến nhiều ngành công nghiệp ở "thượng nguồn" và "hạ nguồn".
Thị trường bất động sản trì trệ có thể tác động mạnh đến nền kinh tế và tài chính của chính quyền địa phương.
Tại các cuộc họp kinh tế, Trung Quốc cam kết ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán"vào năm tới và "tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự suy giảm và ổn định thị trường bất động sản".
Tuy nhiên, ông Wang tin rằng, chìa khóa để ổn định thị trường bất động sản là chính phủ Trung Quốc phải mua lại những căn nhà đang chưa có chủ tại các địa phương.
"Điều này sẽ cho thấy, thị trường bất động sản đã chạm đáy, từ đó, khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư", ông Wang nêu quan điểm.
Thận trọng với thuế quan của ông Trump
Tổng thống đắc cử Trump đã đe dọa áp mức thuế ít nhất 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ.
Viện nghiên cứu kinh tế Chung-Hua của Đài Loan (Trung Quốc) dự đoán rằng, với mức thuế quan 60% do nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh có thể giảm xuống còn 3%, so với dự đoán trước đó là 4,5%.
Trong cuộc họp với một số nhà lãnh đạo tổ chức kinh tế quốc tế tại Bắc Kinh gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, "sẽ không có bên nào chiến thắng" trong cuộc chiến thuế quan.
Bà Lee chỉ ra rằng, lập trường hiện tại của Bắc Kinh trước động thái tăng thuế tiềm tàng của ông Trump là "chuẩn bị thận trọng" thay vì đối đầu trực diện.
"Trung Quốc đang âm thầm hoàn thiện bộ công cụ để ứng phó, nếu căng thẳng với nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang. Các cuộc điều tra an ninh mạng, thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và giám sát chặt chẽ các công ty nước ngoài đều được Bắc Kinh đưa ra thảo luận", bà Lee nói thêm.
Trung Quốc tích cực theo đuổi các chiến lược nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, khi cuộc chiến công nghệ đang diễn ra với Mỹ. Lĩnh vực bán dẫn được đất nước tỷ dân đặc biệt chú trọng.
Nhưng theo ông Wang, việc theo đuổi sự độc lập về công nghệ trong ngành bán dẫn sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể. "Sự đầu tư này đi kèm rủi ro. Việc ưu tiên ngành công nghiệp bán dẫn cũng có thể kìm hãm sự phát triển của ngành dịch vụ", ông Wang nhấn mạnh.
Tạm gác lại rủi ro sang một bên, giới chuyên gia khẳng định rằng, với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, Trung Quốc đã có kinh nghiệm hơn và có thể xử lý khác với nhiệm kỳ trước.
| ‘Chung sống tốt’ với ông Donald Trump Một chiến lược kinh tế phù hợp, vừa đủ để đối phó, vừa bảo vệ lợi ích, đồng thời duy trì chính sách thương mại ... |
| Bận rộn với những 'sân chơi mới', Trung Quốc nỗ lực tạo thế 'cân bằng chiến lược' với Mỹ và EU Những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc gần đây nhằm xây dựng quan hệ thương mại với các quốc gia khác nhau là cách ... |
| Một quốc gia châu Âu chính thức là thành viên mới của CPTPP Ngày 15/12, Anh trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình ... |
| Kim ngạch thương mại Việt Nam-Ấn Độ hướng tới mục tiêu 20 tỷ USD năm 2025 Dự kiến, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ trong năm nay sẽ vượt 15 tỷ USD là cột mốc đã được lãnh đạo ... |
| Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về điện hạt nhân Số liệu thống kê mới nhất của Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho thấy, tổng số lượng các nhà máy điện hạt nhân ... |