Thông tin đáng chú ý vừa được đưa ra Hội thảo “Ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo và sức khỏe cộng đồng” chiều 20/8 tại Hà Nội. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2018 từ ngày 21 – 26/8 tại 3 thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Việt Nam đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề môi trường được cộng đồng xã hội quan tâm. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xuất bản Báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016” khẳng định hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn.
Bụi mịn là những hạt bụi nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nồng độ bụi mịn và siêu mịn ở một số khu vực đang vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Toàn cảnh Hội thảo ngày 20/8. (Ảnh: Nguyễn Loan) |
Theo số liệu quan trắc giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, mức độ ô nhiễm bụi tại các đô thị vẫn ở ngưỡng cao, chưa có dấu hiệu giảm trong suốt 5 năm qua. Đặc biệt tại một số nút giao thông, công trình đang xây dựng, tỷ lệ bụi cao gấp 5 - 6 lần. Một số khu vực nội thành của các đô thị lớn, nồng độ bụi mịn PM10 và bụi siêu mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, chiếm tỷ lệ hơn 1/5 tổng số ngày trong năm. Đối với các đô thị miền Bắc, số ngày có nồng độ bụi cao thường tập trung vào các tháng mùa Đông.
Cũng theo nghiên cứu của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID (Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), có những thời điểm lượng bụi PM2.5 ở một số đô thị tại Việt Nam cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của WHO.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Mạnh Cường, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong số những quốc gia có lượng xe máy, ô tô tương đối lớn. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí đặc biệt nghiêm trọng. Ở những thành phố, đô thị lớn, mật độ các công trình xây dựng tăng cao cũng là một trong những lý do gia tăng hàm lượng bụi mịn, gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh như: hen, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ; bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mạn tính và ung thư ở người lớn. Ngoài ra, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến một số triệu chứng kích ứng về mắt, họng và mũi.
“Theo Báo cáo của WHO năm 2015, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp liên quan đến ô nhiễm không khí và chất lượng không khí. Trong cơ cấu bệnh tại Việt Nam, các bệnh về đường hô hấp cũng là 1 trong 5 nhóm bệnh bị mắc phải cao nhất tại Việt Nam”, ông Cường dẫn chứng.
Ô nhiễm không khí tại các thành phố và khu đô thị lớn tại Việt Nam đang đáng báo động. (Nguồn: Tiền phong) |
Ông Cường cảnh báo, nếu không có các giải pháp hiệu quả để kiểm soát nguồn phát sinh bụi mịn thì vào năm 2020, các trường hợp bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ tăng lên gấp đôi.
Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), hiện nay các nhà máy nhiệt điện than cũng là một nguy cơ rất lớn khi tác hại ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí do những nhà máy này không hề nhỏ.
Cả nước hiện có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt 24.370 MW.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng nếu tính cả chi phí sức khoẻ, y tế, môi trường thì giá nhiệt điện than không hề rẻ. Chưa kể sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than từ Indonesia và Australia, dự kiến nhập khẩu tới 85 triệu tấn/năm vào năm 2030. Chưa nói đến vấn đề an ninh năng lượng, nếu không khống chế được chất lượng than thì ảnh hưởng đến sức khoẻ vô cùng lớn.