TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ: Ô nhiễm không khí ở New Delhi hiện ở mức rất nghiêm trọng | |
Hơn 90% trẻ em trên thế giới hít thở không khí ô nhiễm hàng ngày |
Theo Bộ Tài Nguyên & Môi trường, mỗi hộ gia đình Việt Nam thải ra hơn 1 túi nilon/ngày. Như vậy, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Bài toán “ô nhiễm trắng”
Theo các chuyên gia, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Chất thải nhựa nilon khi đốt sẽ tạo ra khí độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Trong khi đó, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm lượng rác thải nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ 27% trong số này được xử lý và tái chế. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người. |
Nói về tác hại của chất thải nhựa, bác sĩ Hoàng Xuân Đại (nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Y tế) nhận định, việc sử dụng túi nilon một cách tràn lan thực sự đang gây ra nạn “ô nhiễm trắng. Song vì lợi nhuận, nhà sản xuất thường sử dụng nhựa tái sinh để sản xuất bao bì hay túi chứa đồ ăn rất nguy hại cho sức khỏe con người, gây ra nhiều thứ bệnh”.
“Cứu cánh” từ túi thân thiện với môi trường
Ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, ô nhiễm nhựa ở châu Á là một vấn đề lớn. Trên thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng túi nhựa một lần và năng lực xử lý rác thải còn hạn chế đã gây ra nạn ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo đánh giá của Đại học Georgia (Mỹ), Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất. Mỗi năm, trong khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn. Trung bình mỗi người thải ra 1,2 kg rác/ngày, với 16% là rác thải nhựa. |
Để chương trình chống rác thải nhựa ở Việt Nam phát huy hiệu quả, ông Kamal Malhotra cho rằng, Chính phủ nên ban hành các chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sản xuất và sử dụng túi nhựa dùng một lần. Nhưng quan trọng hơn cả, người dân phải là người sử dụng thông thái, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa khó phân hủy.
“Tôi nghĩ, các hành động đơn lẻ không thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm nhựa. Bởi vậy, chúng ta cần đề xuất các chiến lược để thiết kế, sản xuất, giảm thiểu việc sử dụng túi nhựa dùng một lần. Đồng thời, ban hành và thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp thay thế và sản xuất bền vững”, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.
Theo Thạc sĩ Dương Thị Phương Anh (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường – Bộ Tài nguyên & Môi trường), muốn thay đổi hành vi và xây dựng thái độ có trách nhiệm hơn về bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ việc tuyên truyền, giáo dục, trong đó, những hoạt động cụ thể như xuất bản sách; khuyến khích các cách làm tốt; hỗ trợ và huấn luyện tình nguyện viên quản lý giám sát môi trường, rác thải nhựa.
Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, Công đoàn Bộ Ngoại giao đã tuyên truyền, kêu gọi các đơn vị nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon. Các đơn vị vận động công chức, viên chức, người lao động cùng nhau thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa khó phân hủy tại gia đình và địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ con người và hệ sinh thái. |
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Xuân Đại cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Theo bác sĩ Hoàng Xuân Đại, nên tăng cường sản xuất các bao bì bằng giấy dai hay bằng vật liệu hữu cơ. Có thể tặng các loại túi này tại các siêu thị, cửa hàng để tập ý thức, thói quen cho người tiêu dùng. Đồng thời, hạn chế tới mức tối đa sản xuất và sử dụng bao bì từ polyme, tiến tới ngừng sản xuất loại bao bì này. Đặc biệt, Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm minh trường hợp vứt chất thải bỏ tùy tiện ở các nơi công cộng, công sở... Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có ý thức chấp hành tốt.
“Để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nilon cần sự chung tay góp sức của tất cả mọi người. Thay vì chờ đợi, ngay mỗi chúng ta phải tự cứu chính mình, cứu người thân của mình bằng việc hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường. Các loại túi thân thiện với môi trường như túi giấy, túi sử dụng nhiều lần, túi vải là cứu cánh tuyệt vời cho môi trường và cho sức khỏe của con người”, ông Hoàng Xuân Đại khẳng định.
Gần 1 triệu người tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí tại EU Mức độ ô nhiễm không khí đang giảm dần ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), song vẫn là nguyên nhân dẫn ... |
Việt Nam đang tham gia tích cực bảo vệ tầng ozone Ngày 14/9, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone với thông điệp “Giữ cho hành tinh ... |
Ô nhiễm không khí: “Thủ phạm” gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam Trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp liên quan đến ... |