Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shinzo Abe trở thành Thủ tướng nhờ vào cương lĩnh chủ chiến, cứng rắn trong các vấn đề ngoại giao và cam kết khôi phục nền kinh tế. Đây là lần thứ hai ông trở thành Thủ tướng Nhật Bản sau khi ông bất ngờ từ chức vì lý do sức khỏe hồi tháng 9/2007 và là vị Thủ tướng thứ 7 trong chưa đầy 7 năm.
Đối mặt với thách thức
Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục có những dấu hiệu suy thoái do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và đồng yen tăng giá, cử tri Nhật Bản rất quan tâm đến các chính sách kinh tế - tài chính của các đảng bởi những chính sách đó sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của họ. Những chính sách kéo dài trong 3 năm qua của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) chưa thể vực dậy nền kinh tế nước này, phần nào đã làm người Nhật thấy thất vọng. Họ quay sang đảng LDP vì những chính sách kinh tế cải cách hứa hẹn những thay đổi, với trọng tâm đưa nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát, đối phó với đồng yen tăng giá, khôi phục nền kinh tế sau thảm họa động đất - sóng thần và sự cố hạt nhân Fukushima. LDP cam kết sẽ buộc Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) phải có những biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm đối phó với tình trạng giảm phát hiện nay, đồng thời sẽ sớm thiết lập khoản ngân sách bổ sung khổng lồ tới 10.000 tỷ yen cho tài khóa 2012 nhằm kích thích nền kinh tế Nhật Bản đang trì trệ.
Để giải quyết vấn đề năng lượng, theo Tân thủ tướng Abe, mục tiêu "không điện hạt nhân" là lý tưởng, nhưng LDP sẽ dành ưu tiên cho việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định và cam kết sẽ soạn thảo "chính sách hỗn hợp tốt nhất về cơ cấu nguồn cung điện" trong vòng 10 năm tới. Kế hoạch này của LDP đã giành được sự ủng hộ của giới doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Abe cũng đề xuất tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng.
Tuy nhiên, kể cả khi cuộc khủng hoảng tài chính ngắn hạn này bị đẩy lùi, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Điển hình là việc hồi phục sau thảm họa động đất - sóng thần đã làm chao đảo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này suốt hơn một năm qua. Tăng trưởng kinh tế Nhật trong quý III đã giảm 3,5% so với cùng kỳ, tệ hơn dự báo của các nhà kinh tế. Họ cũng cho rằng, chỉ cần quý cuối cũng tăng trưởng âm, nước này sẽ rơi vào suy thoái.
Các nhà hoạch định chính sách tại Nhật có rất ít lựa chọn để đối phó với tình trạng kinh tế bất ổn hiện nay. Tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này hiện cũng cao nhất thế giới. Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch vẫn bày tỏ lo ngại về "tốc độ chậm chạp" của việc củng cố tài khóa và chính trị tại Nhật. Cơ quan này cho biết: "Sự bất ổn về chính trị sẽ làm tăng lo ngại về khả năng nước này có thể tiếp tục các chính sách củng cố tài khóa".
Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như đang đánh cược vào sự trở lại của ông Abe. Chứng khoán Nhật đã khởi sắc, đồng yen bị bán ra hàng loạt và ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ, nâng cao mục tiêu lạm phát, vốn là chính sách chủ chốt trong chiến dịch tranh cử của ông Abe. Theo các nhà phân tích tại Nomura, "Chúng tôi dự đoán ngân sách bổ sung cho năm tới sẽ vào khoảng 700 tỷ yen. Tuy nhiên, tùy vào mục tiêu của nội các mới, con số này có thể sẽ lớn hơn".
Ông Abe đi trên dây
Tuy nhiên, không ít người cho rằng, chiến thắng vang dội của LDP và ông Abe là sự trừng phạt đối với những thất bại của DPJ hơn là phản ánh sự ủng hộ sâu sắc đối với LDP. Xem xét sự không hài lòng của cử tri với tất cả các đảng phái chính trị Nhật, ông Abe và LDP không có nhiều cơ hội thuyết phục cử tri rằng đảng này đã có câu trả lời cho những vấn đề đang làm suy yếu xứ sở hoa anh đào.
Tờ The National Interest (Mỹ) phân tích rằng, cử tri Nhật quan ngại trước hết là thực trạng nền kinh tế Nhật Bản và những lo lắng tài chính cá nhân của họ. Bài học của các cuộc bầu cử năm 2009 và 2012 cho thấy cử tri sẽ trừng phạt các chính trị gia không thực hiện được lời hứa phục hồi nền kinh tế. Vấn đề tối quan trọng là ông Abe phải tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng nội địa. Một lý do cho sự thất bại trong nhiệm kỳ trước là do ông đã trở lại với một LDP "cũ kỹ" sau những năm cải cách mạnh mẽ của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi.
Lần này, ông dường như đang đi theo con đường cải cách đã được ông Koizumi thực hiện qua việc đề xuất đẩy mạnh chi tiêu kích thích kinh tế kết hợp chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhật Bản cần mạnh dạn hơn nữa dỡ bỏ những rào cản, thu hút nhiều hơn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh thân thiện và ủng hộ tự do thương mại. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ vào lực lượng lao động của Nhật Bản có thể giúp tăng trưởng GDP lên đến 8%.
Tất nhiên, Thủ tướng vừa từ nhiệm Yoshihiko Noda cho rằng ông Abe đang đi theo một chính sách kinh tế sai lầm. Tuy nhiên, ông Abe duy trì quan điểm phải tích cực chống giảm phát và đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng mới khôi phục được lòng tin của nhà đầu tư tại Nhật, nếu có xảy ra lạm phát cũng không đáng sợ. Phe đối lập lại cho rằng ông Abe quá kỳ vọng vào chính sách tiền tệ táo bạo, nếu không thực hiện được thì một đòn trí mạng sẽ giáng lên đầu các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thùy Trang