📞
Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020:

Ông Joe Biden sẽ không phải là một Obama thứ 2

Thế Linh 11:06 | 21/05/2020
TGVN. Theo Wall Street Journal, nếu trở thành Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden sẽ tập trung vào các chính sách về khí hậu nhưng khó có cơ hội quay lại đàm phán các FTA hay JCPOA.
Nếu đắc cử tổng thống, ông Joe Biden sẽ có những bước đi khác với cựu Tổng thống Barack Obama. (Nguồn: AFP)

Cựu Tổng thống Barack Obama đã để lại nhiều di sản, bao gồm đàm phán thành công 3 hiệp định quốc tế tầm cỡ gồm Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) nhằm kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran; Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP – nay là CPTPP) thiết lập các luật lệ kinh tế trong khối các nước nằm trên vành đai Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc; và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm tiến tới đạt được một kế hoạch liên kết toàn cầu hạn chế khí thải nhà kính.

Nhưng kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố chính sách đối ngoại của ông là “Nước Mỹ trước tiên” và bác bỏ tất cả 3 hiệp định trên, chỉ trích chúng không đem lại nhiều lợi ích cho Mỹ.

Theo ông Walter Russell Mead, Chiến lược gia của Viện Hudson, nếu ông Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, có thể dự báo một số định hướng chính sách. Trong đó, ông Joe Biden có thể tiếp bước, nhưng sẽ không trở thành một Obama thứ 2.

Trước hết, ông Biden sẽ theo đuổi một chương trình chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ đang ở vị trí trung tâm trong chiến lược của đảng Dân chủ hiện nay. Nước Mỹ dưới thời ông Biden sẽ vừa quay trở lại Hiệp định Paris, vừa thúc đẩy nhanh và mạnh hơn tiến trình giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, không có nhiều hy vọng Chính quyền của ông Biden trở lại bàn đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do, mặc dù đây từng là chủ trương được các đời Tổng thống Mỹ từ Tổng thống George H.W. Bush cho đến Tổng thống Obama luôn đặt ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Jake Sullivan, cựu Cố vấn hàng đầu của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đồng thời là Cố vấn An ninh Quốc gia cho ông Biden khi còn là Phó Tổng thống, Mỹ cần phải có sự dịch chuyển khỏi cái mà họ gọi là “chủ nghĩa tân tự do” của các đời Tổng thống trước đây, cho rằng các nhà hoạch định chính sách mới của nước Mỹ cần phải vượt ra khỏi quan niệm cố hữu rằng các thỏa thuận thương mại đều mang lại lợi ích và rằng càng đạt được nhiều thỏa thuận thương mại càng tốt.

Mỹ sẽ bước sang thời kỳ “hậu tân tự do”, tập trung đầu tư công vào lĩnh vực năng lượng xanh và các công nghệ thân thiện môi trường và dành ngân sách đầu tư công nghệ tương ứng với những gì Trung Quốc đang làm. Mỹ cũng sẽ đưa các công ty sản xuất chiến lược của mình về nước, tập trung cải thiện lương cho người lao động, tạo ra việc làm với mức lương cao ngay trên đất Mỹ, đồng thời có các chiến dịch mạnh mẽ đối phó với các công ty chỉ muốn trục lợi.

Chính quyền của ông Biden có thể sẽ đồng quan điểm với ông Trump trong vấn đề coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị lớn của Mỹ. Nhưng ông Biden sẽ theo đuổi cuộc cạnh tranh đó theo một cách khác. Nếu như ông Trump nhìn nhận cấu trúc quốc tế hiện tại với con mắt nghi ngại thì ông Biden chắc chắn sẽ coi đó là một yếu tố không thể tách rời khi cân nhắc xây dựng chiến lược quốc tế để đối phó với Bắc Kinh.

Với châu Á, ông Biden sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đồng minh quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời vừa duy trì quan hệ thân thiện, vừa nhấn mạnh yêu cầu về nhân quyền đối với một số nước.

Về vấn đề Iran, hầu hết các chuyên gia về chính sách đối ngoại của phe Dân chủ đều tiếc khi Chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi JCPOA, nhưng chính họ cũng chưa có được sự đồng thuận khi bàn bạc những bước đi sắp tới. Các lệnh trừng phạt đơn phương mà Chính quyền Tổng thống Trump hiện áp đặt lên Iran đã không buộc được Tehran trở lại bàn đàm phán và chấp nhận theo những điều kiện mà Mỹ đặt ra, nhưng Chính quyền của ông Biden có lẽ cũng sẽ không từ bỏ những lợi thế mà những lệnh trừng phạt đó mang lại nếu không nhận được thỏa hiệp gì từ Iran.