Kết hợp lợi ích chiến lược
Một chuyến tàu đặc biệt chở Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh sáng 8/1. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin trước đó rằng Kim Jong-un cùng vợ, Ri Sol-ju, đã rời Triều Tiên tối 7/1 trong chuyến thăm Trung Quốc 4 ngày theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây là chuyến đi thứ tư của Kim Jong-un tới đồng minh láng giềng và trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên đang đàm phán để ấn định địa điểm tổ chức cuộc gặp Kim-Trump lần hai. Đoàn tùy tùng gồm các quan chức hàng đầu như Kim Yong-chol (nhà đàm phán hạt nhận chủ chốt), Ri Yong-ho, Bộ trưởng Ngoại giao và No Kwang-chol, Bộ trưởng Quốc phòng.
|
Năm ngoái, ông Kim Jong-un đã tới Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 3 lần trước và sau khi ông tham gia Thượng đỉnh đầu tiên với ông Trump vào tháng 6 tại Singapore. Kim Han-kwon, Giáo sư tại Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, nhận định: "Chuyến thăm nhằm mục đích kết hợp lợi ích chiến lược giữa Triều Tiên và Trung Quốc trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai. Bằng cách tăng cường hợp tác chiến lược, Triều Tiên rõ ràng đang cố gắng tối đa hóa sức mạnh trong các cuộc đàm phán với Mỹ”.
Tăng vị thế đàm phán
Một học giả khác, Giáo sư Kang Jun-young của trường Đại học Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul cũng cho rằng chuyến đi của ông Kim Jong-un nhằm tăng vị thế đàm phán bằng cách thể hiện sự gần gũi với Trung Quốc, đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đứng về phía Bình Nhưỡng ngay cả khi cuộc gặp với ông Trump thất bại.
Ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái và nhất trí nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, song đã có rất ít tiến triển kể từ đó. Bình Nhưỡng muốn các biện pháp trừng phạt được nới lỏng sau các động thái phi hạt nhân hóa của mình, song Washington vẫn khẳng định không có những nhượng bộ như vậy cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ông Kim Jong-un cảnh báo trong bài diễn văn ngày đầu năm mới rằng ông ta có thể tìm kiếm một "con đường mới" nếu Mỹ khăng khăng trừng phạt Triều Tiên.
Triều Tiên ngày càng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết tình thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên. (Nguồn: AP) |
Park Jong-chul, nhà nghiên cứu tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) nhận định: "Chương trình nghị sự chính trong chuyến thăm này là về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Có vẻ như Kim Jong-un đang cố gắng có được những ời khuyên của Trung Quốc".
Triều Tiên ngày càng nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết tình thế bế tắc trên Bán đảo Triều Tiên khi nhà lãnh đạo nước này đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán "nhiều bên" để thay thế thỏa thuận ngừng bắn hiện tại trong bài phát biểu chào Năm Mới. Giáo sư Kim Joon-hyung của trường Đại học Toàn cầu Handong ở Seoul bình luận: "Như đã thể hiện trong bài phát biểu chào Năm Mới, kế hoạch tốt nhất cho Triều Tiên sẽ là tìm kiếm một thỏa thuận lớn với Mỹ, song Triều Tiên dường như đang chuẩn bị cho các lựa chọn thay thế trong trường hợp kế hoạch này không thành công".
Chuyên gia Park Jong-chul cho rằng chuyến thăm Trung Quốc lần này của Kim Jong-un sẽ làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất hài lòng bởi nó giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hòa bình và an ninh cho Bán đảo Triều Tiên. Ông Tập có thể tiết lộ một số "quà tặng" cho ông Kim Jong-un để đáp lại, chẳng hạn như trợ giúp kinh tế. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng dự kiến thăm Triều Tiên trong năm nay khi hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Giáo sư trường Đại học Handong Kim Joon-hyung nhận định thêm: "Trung Quốc và Nga có thể nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Để có được điều đó, sự ủng hộ của Trung Quốc là rất quan trọng".